Thứ Hai, 25/11/2024
Thanh Hóa: Công tác dân vận chính quyền góp phần giải quyết vụ việc phức tạp, phòng ngừa phát sinh điểm nóng
 
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
 (khóa XI) về công tác dân vận và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII)
về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Trần Thanh
 


Một trong những điều kiện hết sức quan trọng góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là phải thường xuyên giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; thực tiễn cho thấy nơi nào để xảy ra bức xúc xã hội, phát sinh “điểm nóng” về an ninh chính trị đều tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trong những năm gần đây một số địa phương đã để xảy ra các vụ việc bức xúc, phức tạp kéo dài, cá biệt có nơi trở thành điểm nóng; tính chất phức tạp, nguy hiểm của các vụ việc ngày càng gia tăng, gây nhiều hệ lụy khó lường; tổ chức ngày càng chặt chẽ, tinh vi, có lãnh đạo dẫn dắt và sự can thiệp, hỗ trợ của nước ngoài; lôi kéo nhiều thành phần, đối tượng tham gia chống đối chính quyền, những vụ việc như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển chung của đất nước cũng như của từng địa phương. Để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần có một môi trường chính trị - xã hội tốt, điều đó đòi hỏi mỗi cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc xã hội phát sinh ngay tại địa phương.

Từ tổng kết thực tiễn trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương lãnh đạo công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 114-KL/TU ngày 14-7-2014 về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”; Kết luận số 03-KL/TW ngày 13-5-2016 về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị... Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 “Về thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn”; Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 “Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”; Nghị định 04-NĐ/CP ngày 9-1-2015 “Về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính, Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 16-5-2016 “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính quyền các cấp đã quan tâm ban hành các quy chế, quy định nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo để triển khai thực hiện; nắm bắt tình hình nhân dân, tổ chức tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; quan tâm giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp và các kiến nghị chính đáng của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với hệ thống dân vận và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là ở vùng có tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, góp phần giải quyết tốt các vụ việc phức tạp, hạn chế không làm phát sinh điểm nóng.

Tuy nhiên, công tác dân vận của chính quyền cơ sở chưa có sự chuyển biến rõ nét; việc tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao chưa tốt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Công tác quản lý thông tin báo chí còn nhiều lúng túng; chưa có biện pháp xử lý hiệu quả những thông tin sai lệch trên báo chí, mạng xã hội và những tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật trên lĩnh vực truyền thông; quản lý Nhà nước về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về công tác cán bộ và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ và công nhân lao động còn có những sơ hở, sai phạm, gây bất bình trong nhân dân, dễ gây nên bức xúc xã hội, phát sinh điểm nóng.

Nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập trên là do chưa thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là chưa thực hiện nghiêm túc chế độ công khai, minh bạch trong quản lý đất đai, tài chính ngân sách, trong thực hiện các dự án đầu tư, công tác cán bộ... chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc cho tổ chức, công dân và xử lý các tình huống phức tạp xảy ra còn chậm; kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm; hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế...

Từ những nội dung trên cho thấy công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc bức xúc xã hội và phòng ngừa có hiệu quả việc phát sinh điểm nóng, bởi vì:

Một là, công tác dân vận góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đơn vị.

Thực hiện tốt công tác dân vận sẽ nhanh chóng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, những bức xúc kiến nghị của nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân và từ đó những nguy cơ hình thành điểm nóng về trật tự xã hội sẽ không có cơ hội để phát sinh.

Hai là, vận động và tổ chức để người dân thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Quá trình dân chủ hóa đã góp phần vào việc cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân, ngăn chặn các xu hướng bất đồng trong xã hội, từng bước khắc phục tình trạng thiếu thông tin và kém hiểu biết về pháp luật của người dân; nhiều điểm nóng, vụ việc phức tạp xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương, đơn vị, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do việc chính quyền cơ sở thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ. Vì vậy, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo bảo vệ lợi ích trực tiếp, thiết thực, chính đáng của người dân là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết tốt các bức xúc xã hội, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh điểm nóng.

Muốn vận động nhân dân điều trước tiên là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nắm được tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có những chủ trương, quyết sách giải quyết kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình một cách thực chất sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và góp phần giữ vững sự đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân.

Ba là, tổ chức, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là tham gia giám sát việc xây dựng, quản lý và sử dụng cán bộ, góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Sự yếu kém trong tham mưu đề xuất và thực thi nhiệm vụ, thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chính quyền là những nguyên nhân bên trong, nguyên nhân sâu xa làm phát sinh các vụ việc phức tạp. Chính vì vậy, tăng cường đối thoại, giám sát, phản biện xã hội; tổ chức và động viên nhân dân tham gia giám sát việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp ý kiến với cấp ủy, tổ chức đảng về việc quản lý, sử dụng, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên... là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, hạn chế các vụ việc bức xúc trong xã hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác dân vận của cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Trước hết, chính quyền các cấp chủ yếu là người đứng đầu phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng vận động quần chúng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nắm vững chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác, để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo cần phải biết nói tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc, giáo lý, giáo luật, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền vận động nhân dân và tín đồ các tôn giáo thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra.

Năm là, chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để kẻ xấu kích động tạo điểm nóng; dự báo những tình huống phức tạp, kịp thời phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra điểm nóng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang gia tăng các hoạt động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng nước ta. Trên mặt trận tư tưởng, chúng thường tung ra các luận điệu vu cáo, bịa đặt, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mất niềm tin, mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để dễ dàng thực hiện âm mưu chuyển hóa trong nội bộ. Trước tình hình đó, công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tuyên truyền phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân, để nhân dân có nhận thức đúng đắn, cảnh giác và tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ địch.

Việc giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp phát sinh, phòng ngừa không để xảy ra “điểm nóng” là rất quan trọng, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt nội dung sau.

- Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng dân chủ, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đây là điều kiện quan trọng làm cho người dân tin tưởng, gắn bó với Đảng, Nhà nước. Thực tiễn cho thấy đây là bài học kinh nghiệm quý báu nhất, lâu dài nhất, địa phương nào lãnh đạo, chỉ đạo yếu, để thiếu việc làm, thất nghiệp tăng, tỷ lệ nghèo cao, không giải quyết kịp thời các công việc cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp... là mầm mống làm phát sinh bức xúc xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

- Lựa chọn, bố trí những cán bộ có đức, có tài, sống gương mẫu, liêm khiết, công tâm... làm người đứng đầu các cấp, các ngành; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; xử lý nghiêm minh những người không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân sẽ là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với đảng, với chế độ.

- MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền các cấp; khả năng to lớn của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội là tuyên truyền, vận động, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư, trong giải quyết vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo... góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Văn Thành/ baothanhhoa.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi