|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Yên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng
giúp nhân dân địa phương thu hoạch lúa. Ảnh: MINH TRƯỜNG |
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, trọng tâm là Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa IX về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016… Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tiến hành có hiệu quả CTDV, trong đó xác định rõ: Tiến hành CTDV vừa là trách nhiệm chính trị, vừa là tình cảm sâu nặng của quân đội với nhân dân, thể hiện bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, các đơn vị toàn quân tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG toàn diện, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động của cả nước, đạt được nhiều thành tích và kinh nghiệm quý. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương bám sát địa bàn; nắm chắc phong tục, tập quán các dân tộc, lễ nghi của các tôn giáo; đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền phù hợp với tâm lý, bản sắc văn hóa, tập quán vùng miền, thực tiễn đời sống của đồng bào DTTS, ĐBTG. Vận động đồng bào thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Các đơn vị tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG. Nhiều cơ sở từ yếu kém đã vươn lên khá và vững mạnh, xóa tình trạng "trắng" đảng viên ở nhiều thôn, bản. Các đoàn kinh tế-quốc phòng đã làm tốt việc tiếp nhận và tăng cường đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đến các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa giúp tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 332 cán bộ tham gia chính quyền cấp xã (có 62 đồng chí là người DTTS), trong đó 260 đồng chí giữ chức vụ trong cấp ủy. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QPAN) cho chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, ĐBTG. Tham mưu cho địa phương và trực tiếp xây dựng, tăng cường mối quan hệ gắn bó với các chức sắc, chức việc; phối hợp giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của đồng bào, không để các “điểm nóng” lan rộng, kéo dài. Tham mưu xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên vùng đồng bào DTTS, ĐBTG vững mạnh. 5 năm qua, các đơn vị quân đội đã tham gia củng cố hơn 4.000 chi bộ đảng, 5.300 tổ chức chính quyền, 23.000 tổ chức chính trị-xã hội, xóa tình trạng "trắng" đảng viên ở hơn 100 thôn, bản; phối hợp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho hơn 298 nghìn lượt chức sắc, chức việc tôn giáo; đào tạo nghề cho hơn 93.000 quân nhân người DTTS, tôn giáo và 525 y tá, y sĩ thôn bản; thu hút hơn 7.800 lượt trí thức trẻ công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với các phong trào, các cuộc vận động cách mạng của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và địa phương, các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia giúp dân phát triển sản xuất, tu sửa, làm mới đường giao thông thôn, bản, cầu dân sinh; xây mới và tu sửa phòng học, nhà văn hóa cộng đồng; tổ chức khám, chữa bệnh, thăm và tặng quà người có công, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, ĐBTG trong các dịp lễ, tết. Các đơn vị phát huy vai trò lực lượng nòng cốt luôn có mặt kịp thời giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... Bộ đội Biên phòng, các binh đoàn, đoàn kinh tế-quốc phòng đã tham mưu thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, bố trí lại dân cư, sử dụng hợp lý lao động, thực hiện an sinh xã hội; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng du canh, du cư; xây dựng cụm thôn, bản định canh, định cư bền vững; nâng cấp, xây dựng mới các bệnh xá quân dân y; thực hiện có hiệu quả chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, mở các lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ công tác ở vùng đồng bào DTTS.
Các đơn vị làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bảo đảm nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo; động viên mọi nguồn lực xã hội và hiện thực hóa đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc bằng những hành động, việc làm cụ thể trong các lĩnh vực giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện an sinh xã hội, từ thiện, y tế, giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS xóa bỏ các hủ tục; bảo tồn, khôi phục các hình thức sinh hoạt lễ hội truyền thống; tham mưu xây dựng các mô hình phát triển văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp với điều kiện địa lý, tình hình kinh tế-xã hội của mỗi dân tộc. Quân đội tích cực, chủ động tham gia duy trì, bảo tồn và phát triển bền vững các tộc người, dân tộc rất ít người, như: Dân tộc La Hủ ở Lai Châu; tộc người thiểu số Đan Lai ở Nghệ An; dân tộc Chứt tại Quảng Bình, Hà Tĩnh...
Nhiều đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, nâng cao trình độ cho quân nhân là người đồng bào DTTS, ĐBTG. Có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đoàn viên và đào tạo cán bộ là người đồng bào DTTS, ĐBTG để phục vụ lâu dài trong quân đội; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; có chính sách ưu tiên quân nhân là người dân tộc có dân số ít, cư trú vùng đặc biệt khó khăn, tuyển sinh, cử tuyển quân nhân là người đồng bào DTTS, ĐBTG hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho địa phương. Từ năm 2013 đến nay, quân đội đã kết nạp hơn 8.000 đảng viên là con em đồng bào DTTS, 155 quân nhân người Công giáo; tuyển chọn 93.250 chiến sĩ mới con em đồng bào DTTS, hơn 29.700 thanh niên Công giáo; tuyển sinh 1.200 học viên, cử tuyển 4.470 học viên người DTTS; đào tạo hơn 12.000 quân nhân dự bị và đào tạo nghề cho hơn 93.000 quân nhân là người DTTS, ĐBTG.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa thực sự coi trọng và quan tâm đúng mức việc giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng CTDV của quân đội ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG. Việc nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có thời điểm chưa sát với đối tượng và tình hình thực tiễn ở địa phương; công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo” có đơn vị chưa coi trọng.
Thời gian tới, việc thực hiện CTDV của quân đội ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn. Đời sống của đồng bào mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động ly khai, tự trị, gây mất ổn định an ninh chính trị ở cơ sở... Để Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của quân đội ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG đạt hiệu quả vững chắc, có chiều sâu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của quân đội.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng. Tổ chức thực hiện chặt chẽ, thận trọng, đúng quan điểm “Nội dung cốt lõi công tác dân tộc, tôn giáo là công tác vận động quần chúng”; giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo phải “Kiên trì, tế nhị, chân thành, vững chắc”.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTDV, tổ chức Phong trào thi đua “Dân vận khéo” sát thực tế địa phương, đơn vị, phù hợp phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, lễ nghi của đồng bào DTTS, ĐBTG; biết chọn khâu đột phá, việc khó, việc mới để thực hiện.
Bốn là, lồng ghép việc thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” với Phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, MTTQ, địa phương các cấp phát động; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu; kịp thời nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của quân đội ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG.
Năm là, đưa kết quả thực hiện CTDV và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và xét khen thưởng hằng năm. Kiên quyết đấu tranh phê phán, khắc phục những biểu hiện lệch lạc, những hạn chế trong thực hiện CTDV của quân đội ở vùng đồng bào DTTS, ĐBTG
Các đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt các giải pháp trên đây chính là thiết thực góp phần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, công tác tôn giáo của Đảng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên các vùng đồng bào DTTS, ĐBTG, miền núi, vùng trọng yếu về QPAN, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng NGÔ THANH HẢI (Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị)/ qdnd.vn