Chiều 28/9, Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp báo quý III/2018 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì trả lời về các vấn đề đang được dư luận quan tâm của ngành giao thông.
Ưu tiên phương án sửa cầu Thăng Long của nước bạn Nga
Liên quan đến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đoàn chuyên gia Nga đã sang Việt Nam khảo sát hiện trường và trao đổi về phương án sửa chữa, tuy nhiên phương án cụ thể vẫn chưa được quyết định.
Ngày 17/9, đoàn chuyên gia của Nga sang làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện khảo sát hiện trường và trao đổi về nguyên tắc theo đề nghị của Việt Nam. Đặc biệt, đây là các chuyên gia Nga đã từng tham gia xây dựng cầu Thăng Long và có chuyên gia làm việc trực tiếp về dính bám giữa bản mặt cầu và bê tông nhựa.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, cầu Thăng Long đã được xây dựng hơn 30 năm, hư hỏng mặt cầu đã là quá trình rất lâu nên lần sửa chữa này chọn Nga làm kênh để đánh giá các giải pháp, giải pháp nào bảo đảm độ tin cậy cao nhất và phù hợp thì sẽ lựa chọn.
Tuy nhiên, về lý do thời điểm này vẫn chưa chọn được phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã nhận được giải pháp của các chuyên gia ở một số nước như Nhật, Đức… nhưng Việt Nam tôn trọng thực tế nước bạn đã tham gia xây dựng cây cầu hữu nghị này nên cũng ưu tiên lựa chọn phương án xử lý hư hỏng mặt cầu Thăng Long của Nga.
“Phương án nào được lựa chọn Bộ sẽ có công bố cụ thể, thời gian sửa chữa phụ thuộc vào phương án được lựa chọn”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.
Về nguồn vốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự kiến trước mắt là vốn phí bảo trì đường bộ, sau đó nếu huy động được nguồn vốn khác thì sẽ sử dụng để thi công sửa chữa.
Giao Cục Đường thuỷ nội địa kiểm điểm trách nhiệm vụ “quỹ đen”
Liên quan đến việc xử lý kỷ luật trong vụ “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đang giao cho Cục kiểm điểm trách nhiệm, việc xử lý kỷ luật như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, phân cấp về quản lý cán bộ.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về việc này. Theo quy định của pháp luật phải có sự tham gia của các cơ quan điều tra làm rõ, vì vậy Bộ GTVT đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vụ việc được xác định xảy ra trong giai đoạn 2015-2016, một số cá nhân đã thu 5-20% để lập “quỹ đen” từ các gói thầu các công trình do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và các dự án do Cục làm chủ đầu tư như dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng…
Nâng tuổi “nghỉ hưu” của tàu bay tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Đề xuất này khiến dư luận lo ngại về tính an toàn của loại hình vận tải có điều kiện là hàng không hiện nay.
Trả lời tại buổi họp báo, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 92, đã có ý kiến cho rằng tuổi tàu bay hiện nay đang quy định quá “chặt”, đặc biệt là tuổi tàu bay được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Với tinh thần thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, Vụ Vận tải đã nghiên cứu dựa trên quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, quy định của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và nhận thấy so với tuổi tàu bay của các quốc gia khác thì quy định của Việt Nam đang khá “chặt chẽ”.
“Cùng với thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải nhận thấy với mức hiện nay, nếu chúng ta nới tuổi “nghỉ hưu” của tàu bay thì cũng chưa tới tuổi “nghỉ hưu” của tàu bay trung bình trên thế giới”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.
Về vấn đề an toàn, ông Ngọc thừa nhận, tuổi tàu bay có tác động nhất định tới sự an toàn của phương tiện tàu bay nhưng không quyết định hoàn toàn. Sự an toàn của một tàu bay phụ thuộc vào bảo dưỡng, duy trì, vận hành cũng như các điều kiện riêng của từng quốc gia, các quy định của ICAO và điều kiện riêng của Việt Nam.
Về nghi vấn liệu có phải việc nâng tuổi này nhằm mục đích tạo điều kiện cho Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mà không cân nhắc đến an toàn, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định, khi Bộ GTVT lấy ý kiến của các doanh nghiệp để xây dựng dự thảo thì Bamboo chưa phải là hãng hàng không nên không thuộc diện được tham vấn. Những đề xuất được Tổ soạn thảo ghi nhận hoàn toàn là của các hãng hàng không hiện tại của Việt Nam.
Phan Trang/chinhphu.vn