Thứ Bảy, 11/1/2025
Vận động học sinh bỏ học trở lại trường ở huyện Long Điền
 
Một lớp học tại Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). 


Mô hình “Phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh HS trong công tác hạn chế học sinh bỏ học trên địa bàn huyện Long Điền” đã được áp dụng nhiều năm qua. Nhờ thực hiện mô hình này, tỷ lệ HS bỏ học hàng năm đều giảm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với công tác giáo dục; thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong vận động các em HS bỏ học trở ra lớp hàng năm. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng đã bỏ ngang con đường học tập, nhưng qua vận động, hỗ trợ, các em đã có điều kiện tiếp tục đến trường.

Em Hoàng Văn Xuân (HS lớp 8S, Trường THCS Nguyễn Thị Định, huyện Long Điền) là một trong những HS có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ từ mô hình. Gia đình Xuân thuộc diện nghèo, ba đi biển, mẹ không có việc làm. Biết hoàn cảnh gia đình của Xuân, ban giám hiệu và các thầy, cô trong trường đã kiên trì động viên Xuân cố gắng học tập, đồng thời cấp học bổng HS có hoàn cảnh khó khăn cho em với mức 350 ngàn đồng/tháng. Nhờ những sự động viên về vật chất và tinh thần, Xuân đã có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ đến trường.

Đặng Vũ Bảo Trí (HS lớp 8A, Trường THCS Văn Lương, TT. Long Điền, huyện Long Điền) cũng là HS có hoàn cảnh khó khăn và nhiều lần em muốn bỏ học. “Được thầy, cô nhà trường và các cô chú ở địa phương đến động viên, giúp đỡ, em đã quyết định trở lại trường. Em hứa, thời gian tới sẽ cố gắng học để theo kịp bạn bè”, Trí nói. Cùng với đó, Hội Nông dân và Hội Khuyến học TT. Long Điền cũng hỗ trợ học bổng để tiếp sức em đến trường. Nhờ vậy, năm học này Trí đã tiếp tục đến lớp cùng bạn bè.

Tương tự, em Huỳnh Ngọc Cẩm Tiên (HS lớp 8B, Trường THCS Văn Lương, TT. Long Điền, huyện Long Điền) ba mẹ ly hôn, Tiên sống cùng mẹ, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào việc làm thuê, làm mướn của mẹ. Vì vậy, đầu năm học 2018-2019, Tiên quyết định nghỉ học đi làm phụ mẹ. Nhưng sau khi được nhà trường, địa phương động viên, giúp đỡ học bổng, Tiên đã có thể đi học trở lại.

Chia sẻ kinh nghiệm vận động HS bỏ học trở lại trường, cô Nguyễn Tường Vy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương cho biết, khi có HS bỏ học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với ban giám hiệu nhà trường, cán bộ phụ trách công tác phổ cập giáo dục xã, tổ trưởng tổ dân cư đến nhà gặp trực tiếp phụ huynh và HS để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và vận động các em trở lại trường; đồng thời, nhà trường xem xét miễn, giảm học phí, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho những HS có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Nguyễn Văn Thế, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định cho hay, thực hiện mô hình phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh HS trong việc hạn chế HS bỏ học, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm theo dõi thái độ học tập, động viên kịp thời những trường hợp HS nghỉ học nhiều, học lực đi xuống, lơ là trong học tập, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo môi trường học tập thân thiện, giáo dục kỹ năng sống cho HS. Đồng thời, vận động trợ cấp học bổng, quỹ khuyến học của trường, xã, huyện hỗ trợ để các em có động lực đến trường. “Trong năm học 2017-2018, nhà trường đã trao 30 suất học bổng cho các HS nghèo hiếu học và HS có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất từ 300-350 ngàn đồng”, thầy Nguyễn Văn Thế cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Xuân, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Long Điền, trong năm học 2017-2018, toàn huyện có 45 HS THCS bỏ học, giảm 14 em so với năm học 2016-2017, giảm 31 em so với năm học 2015-2016. Riêng đầu năm học 2018-2019, các trường THCS trên địa bàn huyện đã vận động được 25 em trở lại trường. Hiện các trường đang tiếp tục vận động số HS còn lại chuyển qua học các lớp phổ cập tại các địa phương. Đây là những giá trị thiết thực mà mô hình “Phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh HS trong công tác hạn chế HS bỏ học trên địa bàn huyện Long Điền” mang lại.

Huyền Trang/ baobariavungtau.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất