Thứ Bảy, 11/1/2025
Ngành ngân hàng tăng tốc cải cách hành chính những tháng cuối năm

Theo đó, xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 19 bộ, ngành. Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá cao, đặc biệt trong năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng.

Các ngân hàng đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới trên nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, như  áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...

Trong đó, một số ngân hàng đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống đăng ký khoản vay trực tuyến qua internet và ứng dụng điện thoại tạo điều kiện cho khách hàng chủ động đăng ký khoản vay trực tuyến, thông tin đã nhập của khách hàng được dùng làm cơ sở để thẩm định, kiểm tra nhu cầu tài chính của khách hàng, giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp hoặc phải đến ngân hàng giao dịch, giảm bớt phiền hà cho khách hàng.

Hầu hết các ngân hàng đã cải tiến theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch.
Ví dụ, BIDV trong giai đoạn 2016-2018, BIDV đã điều chỉnh giảm/miễn phí 09 loại phí, gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking, bỏ nhiều loại phí đăng ký dịch vụ/chấm dứt sử dụng dịch vụ,…; MB đã cắt giảm 16 loại phí, gồm: 3 loại phí xác nhận cam kết thanh toán, 5 loại phạt liên quan đến thực hiện cam kết, 6 loại phí liên quan đến tài sản bảo đảm, 2 loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng; điều chỉnh giảm 2 loại phí kiều hối; cắt giảm các loại phí liên quan đến thẻ; điều chỉnh giảm 50% thay cho 30% đối với phân khúc khách hàng Super VIP khi giao dịch chuyển khoản khác hệ thống đối với khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng doanh nghiệp lược bỏ phí chuyển khoản khác hệ thống qua thanh toán bù trừ điện tử...

Đáng chú ý, hầu hết các ngân hàng đến nay đã niêm yết công khai và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng trên trang tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hết các ngân hàng đã xây dựng được quy trình thực hiện, phối hợp trong nội bộ ngân hàng để có thể xử lý kịp thời, thỏa đáng các phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ.
Về nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cải cách hành chính, các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc và thống nhất quan điểm chỉ đạo về CCHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Lãnh đạo NHNN. CCHC phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, quyết liệt và phải tạo được tính sáng tạo, chủ động và trách nhiệm đề xuất, tham mưu của các đơn vị.

Về cải cách thể chế, các ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất đầy đủ, minh bạch cho hoạt động của TCTD; trọng tâm là hoàn thiện, ban hành các văn bản về cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; hoàn thành đúng thời hạn kế hoạch xây dựng chương trình, đề án, văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của NHNN.
Tiếp tục hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử theo các kế hoạch của NHNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa.
NHNN các cấp cần xây dựng và hoàn thành lộ trình nâng cấp các TTHC của NHNN liên quan nhiều đến tổ chức, cá nhân lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường mạng.

Với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu cần lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

Các ngân hàng cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử; tiếp tục tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính; ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế;

Cần hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam; hoàn thiện, áp dụng các chuẩn mực quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt; công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế
“Các ngân hàng cần hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; đồng thời đầu tư và có giải pháp phù hợp đảm bảo an ninh công nghệ thông tin”, lãnh đạo NHNN yêu cầu.

Huy Thắng/chinhphu.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất