Thứ Bảy, 20/4/2024
Thái Nguyên: Cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận
 

Sở Công Thương đã có sự đầu tư đúng mức cho việc hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Hai năm qua, Sở luôn nằm ở Top đầu các đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC. Ảnh: Thúy Hằng
 

Nâng cao nhận thức một bước về công tác CCHC

Đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ rõ, công tác CCHC đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức các đơn vị, các cấp đối với công tác CCHC được nâng lên, trách nhiệm của các ngành, các cấp được phân định rõ ràng.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đi vào nề nếp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn và hướng tới việc phục vụ nhân dân tốt hơn (19/20 sở, ngành; 9/9 đơn vị cấp huyện, 180/180 đơn vị cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông).

Thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả, công khai các thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế tiêu cực của cán bộ, công chức trong khi giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật, bổ sung và công khai minh bạch các TTHC, thông báo công khai địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân được tổ chức thường xuyên, kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào nền nếp. Công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng đem lại hiệu quả. Tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được cải thiện, tạo ấn tượng tốt trong lòng nhân dân. Hình ảnh người cán bộ, công chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” bước đầu được xây dựng.

Công tác dân vận vừa là động lực vừa là mục tiêu của công tác CCHC

Công tác CCHC và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới. Làm tốt công tác CCHC cũng như đẩy mạnh việc thực hiện QCDC sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị thế của bộ máy Nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị; đồng thời, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện CCHC và QCDC đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do đó, việc thực hiện CCHC không thể tách rời với việc thực hiện QCDC mà phải được thực hiện song hành, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Công tác dân vận vừa là động lực vừa là mục tiêu của công tác CCHC.

Quán triệt quan điểm nêu trên, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy  đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh đẩy mạnh CCHC trên tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận chính quyền.

Thông qua việc thực hiện QCDC và đẩy mạnh CCHC, hoạt động của HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới. Công tác tiếp xúc cử tri được cải tiến, thiết thực, hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được đối thoại, giải thích trực tiếp và xem xét giải quyết. Chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Xây dựng bộ máy hành chính gần dân, của dân, do dân, vì dân

Năm 2018, Ban Dân vận Trung ương đã xác định chủ đề công tác là “Năm dân vận chính quyền” nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền, góp phần xây dựng Chính phủ, liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận. 

“Năm dân vận chính quyền” là điều kiện để cả hệ thống chính trị nêu cao quyết tâm, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc thù của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện hiệu quả. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết những bức xúc của người dân từ cơ sở, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Mục tiêu của “Năm dân vận chính quyền” 2018, là xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước thật sự gần dân, của dân, do dân, vì dân. Trong đó, mỗi cán bộ phải nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, nói ít làm nhiều, nhất là phải khắc phục được bệnh nói không đi đôi với làm.

Sự thành công của công tác dân vận chính quyền sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đó chính là thước đo sự hài lòng của nhân dân đối với hệ thống chính trị, nhất là với các cấp chính quyền ở địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, nhất là trong việc nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật để giải thích cho dân rõ, gương mẫu chấp hành cho dân theo; tiếp xúc, tổ chức đối thoại với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Phạm Thị Thu Thủy/ baothainguyen.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất