|
Trung tâm Hành chính công Hà Tĩnh mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. |
Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Trước đây, mỗi lần đến các cơ sở y tế trên địa bàn để khám, chữa bệnh, ông Bùi Đình Thuận ở thôn Phú Sơn, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đều phải mua sổ khám, chữa bệnh và mất nhiều thời gian trả lời các câu hỏi về tình hình, tiền sử bệnh tật của bản thân. Do tuổi cao, sức yếu, mỗi khi bệnh tình tái phát, cùng lúc phải trả lời các câu hỏi và kê khai giấy tờ liên quan, nhiều khi ông rất mệt mỏi. Tuy nhiên, kể từ khi trạm y tế xã thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử, việc khám, chữa bệnh của ông thuận tiện hơn rất nhiều. “Không những trạm y tế xã mà ngay cả khi lên khám, điều trị bệnh ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, tôi chỉ cần đọc họ tên và mã thẻ bảo hiểm y tế, ngay tức thì, các thông tin về tình hình sức khỏe, quá trình điều trị bệnh trước đây được cập nhật trên hồ sơ cá nhân. Nhờ đó, việc khám và điều trị được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả”, ông Bùi Đình Thuận nói.
Đề cập vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết thêm: Sau gần mười tháng thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về lập, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đến nay, 83,5% dân số trên địa bàn đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% các trạm y tế xã đã được cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe đã được liên thông, đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh và giúp các bác sĩ biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu. Đồng thời, giúp các cơ sở y tế chủ động hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Trong bối cảnh cả nước mới chỉ có một vài địa phương thực hiện thí điểm mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, tháng 7-2017, Trung tâm Hành chính công Hà Tĩnh ra đời, nhận được rất nhiều kỳ vọng cũng như những đòi hỏi khắt khe về tính tiện ích mà người dân và doanh nghiệp đang hướng tới. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, trước đây, việc tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Do bộ phận này hoạt động dưới sự điều hành, kiểm tra trực tiếp của thủ trưởng đơn vị, cho nên đôi khi còn nể nang, thiếu khách quan trong đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện. Vì vậy, tình trạng hồ sơ tồn đọng nhiều vẫn diễn ra ở một số đơn vị; tỷ lệ hồ sơ quá hạn luôn ở mức từ 15% đến 25%. Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công Hà Tĩnh Hoàng Tùng Phong cho biết: Hiện tại, trung tâm đang tiếp nhận, xử lý 1.307 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 20 đơn vị. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71 nghìn hồ sơ, trong đó, số hồ sơ đăng ký trả qua dịch vụ bưu chính là 14.229 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ quá hạn chỉ chiếm 0,02%.
Xếp gọn phiếu hẹn trả kết quả từ Sở Kế hoạch và Đầu tư vào túi xách, ông Đinh Văn Tài (Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Pretrolimex Nghệ Tĩnh) vừa tiến lại cửa giao dịch Sở Công thương nộp thủ tục vừa cho biết: Thay vì phải đến nhiều nơi, qua nhiều cửa, mất thời gian và công sức như trước đây để thực hiện các thủ tục cấp phép, chứng nhận điều kiện kinh doanh... thì nay chỉ cần đến trung tâm này là được thực hiện tất cả các khâu, với thời gian rút ngắn. Ngoài ra, khi đến giao dịch tại đây, thái độ, văn hóa phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng chuyên nghiệp hơn. Đồng quan điểm nêu trên, anh Nguyễn Doãn Dũng, ở xã Đức Dũng (Đức Thọ) phấn khởi cho biết: Không ngờ việc kê khai lý lịch tư pháp tại đây lại được tiến hành nhanh gọn như thế. Bản thân tôi chỉ cần đến đây một lần để kê khai thông tin, sau đó trung tâm sẽ thông báo kết quả qua tin nhắn. Sẵn có dịch vụ trả kết quả tại nhà của bưu điện, tôi đăng ký luôn, vậy là không còn phải mất công đi lại nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết, với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động”, trung tâm hành chính công ra đời là bước đột phá mạnh mẽ về cải cách hành chính của tỉnh. Đây là giải pháp trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo cơ sở cho quá trình thực hiện và tăng cường khả năng giám sát của nhân dân, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh phiền hà và tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp. Hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công, đến nay 100% đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, gắn tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa cho biết, trước thực trạng cồng kềnh của bộ máy, cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội (Đề án 26). Tiếp đó, ngày 22-3-2012, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về sáp nhập thôn, tổ dân phố. Đề án 26 ra đời, thực chất là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 19-8-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 16 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Kết quả, sau gần bốn năm thực hiện đề án, tỉnh Hà Tĩnh đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất 144 đơn vị sự nghiệp và 40 ban quản lý dự án... Qua triển khai và thực tiễn đã chứng minh, việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị là chủ trương hết sức đúng đắn, khoa học, phù hợp xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh và thể hiện tầm nhìn chiến lược, từng bước cải cách nền hành chính công vụ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Song song với việc thực hiện Đề án 26, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt chủ trương sáp nhập thôn xóm, nhờ đó, Hà Tĩnh đã giảm 722 thôn, tổ dân phố, giảm được hơn 24 nghìn người hoạt động không chuyên trách và thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố, tiết kiệm chi ngân sách hơn 132 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai thực hiện các Nghị quyết 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đến nay 262/262 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được phê duyệt đề án thực hiện nghị quyết. Các huyện, thành phố, thị xã cơ bản hoàn thành đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; đề án văn phòng cấp ủy phục vụ chung đã được hoàn thành. Theo lộ trình, đến ngày 1-1-2019, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ được hợp nhất. Ngoài ra, Hà Tĩnh đã tổ chức sắp xếp lại các ban quản lý dự án, ở cấp tỉnh đã giảm từ 26 ban xuống bốn ban, ở huyện còn 14 ban quản lý dự án.
“Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy ở Hà Tĩnh được tập trung thực hiện trong nhiều năm và đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, tầng nấc. Chính vì thế, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã tiếp thêm sức mạnh để Hà Tĩnh chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Thạch cho biết.
Ngô Tuấn/ nhandan.com.vn