Thứ Bảy, 20/4/2024
Hiệu quả từ dân vận có trọng tâm, trọng điểm
 
Ngày hội đổi bếp than tổ ong cho các hộ dân tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
Ảnh: BẢO HÂN

Không ngại mục tiêu khó

Sau hai tháng chuyển từ sử dụng bếp than tổ ong sang bếp cải tiến, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm thấy thuận tiện hơn nhiều. Không còn phải chịu cảnh khói mù mịt khi nhóm bếp, vừa bẩn, vừa độc hại. Hàng xóm cũng "dễ thở" hơn, chẳng còn ý kiến mỗi khi gia đình nổi lửa. "Chi phí có tăng thêm chút ít, nhưng sạch sẽ, tiện hơn nhiều", bà Thanh chia sẻ. Ðó là kết quả thấy rõ của gia đình bà Thanh và hơn một nghìn hộ khác tại quận Hoàn Kiếm từ khi thực hiện chương trình thay thế bếp than tổ ong do Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) chủ trì.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có hơn 55 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng. Số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè...), các huyện ngoại thành chiếm 37%. Theo tính toán, một ngày, trung bình người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Trong khi đó, nhận thức của người dân về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường còn hạn chế, nhu cầu thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện với môi trường còn thấp.

Theo ông Mai Trọng Thái, Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, khi nhận nhiệm vụ, với mục tiêu đến năm 2019 thay thế 70% số lượng bếp than tổ ong và năm 2020 phải thay thế toàn bộ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên Chi cục đều rất lo. Chi cục nhanh chóng xây dựng kế hoạch, trong đó chi bộ cùng tham gia phổ biến thông tin, đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và ô nhiễm môi trường tới toàn thể cán bộ, nhân viên của Chi cục Bảo vệ môi trường qua các buổi sinh hoạt nội bộ, sinh hoạt chi bộ. Ðồng thời huy động sự tham gia của Ðoàn Thanh niên, Công đoàn và các phòng "dân vận" chính gia đình, người thân và các gia đình chung quanh nơi cư trú tự giác thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong.

Sâu sát từ cơ sở

Nhiệm vụ khó hơn là triển khai đến cơ sở, làm sao để người dân hiểu, từ bỏ thói quen hàng chục năm nay. Căn cứ kết quả điều tra, khảo sát, Chi cục đã lựa chọn quận Ba Ðình (là một trong năm địa bàn có số lượng bếp than đang sử dụng lớn nhất thành phố với khoảng 8.600 bếp) và quận Hoàn Kiếm (có hơn 2.500 bếp than và nơi có mật độ dân số cao nhất) để triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền về tác hại cũng như việc thay thế bếp than tổ ong. Từ lãnh đạo Chi cục đến cán bộ, nhân viên đều xuống các tổ dân phố để vận động người dân.

Nhớ lại những ngày đầu đi tuyên truyền tại địa bàn, Trưởng Phòng Quản lý dự án và truyền thông Lê Thanh Thủy chia sẻ: "Năm 2016, chúng tôi bắt đầu đi đếm từng cái bếp than và tiếp cận người dân. Mọi người đều cho rằng mình dùng đã bao nhiêu năm có độc hại gì đâu, mà lại tiết kiệm". Ðể chứng minh tác hại của bếp than tổ ong, Chi cục phải mượn thiết bị ở nước ngoài đến từng nhà để đo nồng độ khí thải, ảnh hưởng sức khoẻ ra sao cho người dân xem. Rồi phải tìm mẫu bếp cải tiến, giới thiệu cho mọi người sử dụng. "Chúng tôi lựa chọn được một số loại phù hợp, tổ chức sử dụng bếp loại mới và mời người dân đến xem, nhưng không ai đến. Cuối cùng lại tổ chức thành các nhóm đến từng nhà, làm cụ thể cho các bác thấy bếp mới tiện dụng thế nào, ít khí thải độc hại ra sao, lúc ấy mọi người mới tin và bắt đầu dùng", bà Thủy nói.

Khó khăn là vậy, thậm chí còn có lúc thất bại, đấy là đợt giáp Tết Mậu Tuất 2018, sau khi đã "thử lên thử xuống", một loại bếp thân thiện đã được Chi cục mượn cho mấy chục hộ dân tại quận Ba Ðình dùng thử. Bếp dùng tốt, dễ nhóm, lửa đều, chỉ có điều lại làm đen nồi. Ngày 27 Tết, người dân đồng loạt trả lại. Cán bộ, nhân viên đi nhận lại bếp mà lòng nặng trĩu, phần vì không biết tập kết hàng chục cái bếp ấy ở đâu, quan trọng hơn là thấy tâm huyết của mình không đem lại kết quả như ý.

Tuy nhiên, thất bại ấy chính là kinh nghiệm quý để đơn vị làm cẩn trọng hơn. Sau khi khảo sát, cuối cùng Chi cục cũng đã tìm được loại chuẩn nhất: Bếp thân thiện dùng nguyên liệu viên nén, nồi không bị đen, không bị khói, nhiệt độ tập trung, có thể dễ dàng di chuyển, mà giá thành lại vừa phải. Nhờ đó, dù mới triển khai từ tháng 4-2018, nhưng đến cuối tháng 10-2018, số lượng bếp than tổ ong của 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm được 1.044 bếp, đạt tỷ lệ giảm 41,35%. Quận Hoàn Kiếm phấn đấu đạt mục tiêu thay thế 70% bếp than tổ ong trong năm 2018 và xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trong năm 2019.

Kết quả này là tiền đề quan trọng để Chi cục BVMT tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, góp phần để thành phố xanh, sạch, đẹp hơn. "Theo yêu cầu, đến năm 2020, thành phố sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong bằng bếp thân thiện, với những hộ nào cố tình dùng loại bếp cũ sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động tốt hơn để tất cả người dân đồng thuận, tham gia", ông Mai Trọng Thái cho biết.

Quốc Toản/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất