Thứ Hai, 25/11/2024
Thế trận lòng dân: Lắng nghe tâm tư, phối hợp giúp đỡ ngư dân

 Đoàn công tác Quân chủng Hải quân tham quan một cơ sở đóng tàu
 tại xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (Bình Định)

Chuyến khảo sát của đoàn công tác Quân chủng tại các tỉnh ven biển miền trung đều là những địa phương có nhiều đội tàu vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đây cũng là những địa bàn làm công tác dân vận quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 - đơn vị được phân công quản lý, vận hành các âu tàu trên các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, làng chài ở lòng hồ Tốc Tan, Núi Le... và là nơi sửa chữa hỏng hóc các tàu thuyền, cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân.

Chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có hơn 5.600 tàu đánh cá trên biển, trong đó hơn 1.500 tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Từ năm 2013 đến 2015, xảy ra nhiều vụ việc ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sâm, sò tai tượng. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó tích cực tuyên truyền về Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ tới ngư dân; nhất là phối hợp Cơ quan quản lý hải sản Ô-xtrây-li-a trực tiếp tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác hải sản trên vùng biển Ô-xtrây-li-a và các đảo quốc Thái Bình Dương. Do vậy, từ tháng 12-2017 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận có tàu cá nào vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành của ngư dân địa phương được các đoàn công tác Quân chủng tham khảo, chia sẻ với các địa phương khác khi đến làm việc.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa hải sâm vào danh mục cấm khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép để ngăn chặn đầu ra; đồng thời, quy định không cho hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tàu xâm phạm vùng biển các nước đánh bắt hải sản; tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại các buổi làm việc của đoàn công tác ở các địa phương đều được nghe đại diện các chủ tàu, ngư dân, nghiệp đoàn nghề cá bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và lời cảm ơn chân thành của ngư dân nhắn gửi tới cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc.

Ông Trần Văn Nhân, Chủ tàu cá QNa 91441, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, được thông tin, tuyên truyền, ngư dân chúng tôi đã nhận thức được vấn đề, trong đó xác định chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam, vùng biển chung, không vi phạm vùng biển của nước bạn. Bộ đội trên các tàu Hải quân đã thường xuyên sát cánh, hướng dẫn, nhắc nhở các tàu của ngư dân ta tuân theo pháp luật”.

Thông qua chuyến khảo sát, đoàn công tác không chỉ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị và đại diện bà con ngư dân, mà còn phối hợp cơ quan chức năng địa phương thống nhất nội dung, biện pháp triển khai thực hiện thời gian tới, nhằm khắc phục triệt để thẻ vàng của EU đối với hải sản Việt Nam.

Trung tá Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân cho biết: Thời gian qua, ngoài việc bố trí các tàu trực ở các vị trí chồng lấn giữa vùng biển Việt Nam và vùng biển các nước, Quân chủng còn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác làm việc với các cơ quan, chi cục hải sản, chủ các nghiệp đoàn nghề cá, bà con ngư dân các tỉnh ven biển để nắm tình hình triển khai và thực thi chính sách; tổ chức tuyên truyền về các vùng biển ngư dân ta được khai thác hải sản như vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế; có biện pháp phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vững tin vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi