Thứ Bảy, 11/1/2025
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Mở đầu phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. Ông nhấn mạnh: “Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”.

Theo Thủ tướng, qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó có những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các vị Đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước. 

Không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng

Nhấn mạnh chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ: Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.

Thủ tướng nhấn mạnh: Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.

“Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” – Thủ tướng bày tỏ và khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 3 năm, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như Việt Nam, nhưng chúng ta đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. Thành quả này nhờ nỗ lực chung cả cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân.

Giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển

Trước Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu mọi thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước phải thấm nhuần, quán triệt đầy đủ tinh thần này; cụ thể hơn là thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

Đồng thời, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Thủ tướngChúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Thủ tướng đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

“Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại...” – Thủ tướng nói.

Cho biết dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019, Thủ tướng bày tỏ: “Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao. Được sự tín nhiệm của các Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là niềm tin mà nhân dân dành cho, các thành viên Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Tập trung sức lực, thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao

Trong phần kết bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn các đại biểu về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Dẫn phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, Thủ tướng đề nghị: "Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này", đồng thời nhấn mạnh một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai như sau:

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia..

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi NSNN hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi NSNN xuống mức 3,5% GDP  vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.

Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.

Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Nâng cao hiệu quả đổi ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.

Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề nóng, được đông đại biểu và cử tri quan tâm. Những chất vấn khác của các đại biểu Quốc hội sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản và gửi đến từng đại biểu.

"Trăm dâu đổ đầu tằm" 

Thủ tướng cho biết, những ngày qua có gần 30 đại biểu chuyển các chất vấn tới Thủ tướng. Thủ tướng chọn một số câu hỏi để trả lời trước.

Cụ thể, đó là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM). Đại biểu Quyết Tâm nhận xét, kết quả lấy phiếu vừa qua cho thấy mức độ tín nhiệm với Thủ tướng rất cao trong khi các Bộ trưởng được đánh giá tín nhiệm cao thấp khác nhau. Kết quả cho thấy, có Bộ trưởng đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế, giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực điều hành của mình nhiều năm qua và việc đó đã mang lại hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng nói: “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng đều nằm trên một bàn tay”. Cả bàn tay đó cùng chụm lại, đó chính là hình ảnh của các thành viên Chính phủ. Do vậy, việc đầu tiên cần phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, người Việt có câu "trăm dâu đổ đầu tằm", cho nên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém, Thủ tướng nêu rõ.

Về giải pháp khắc phục, Thủ tướng cho rằng phải chỉ đạo, đôn đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Bởi thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

Thứ hai, các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Thứ ba, Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ trưởng phải tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, nếu ai không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Quan tâm mạnh mẽ hơn với ứng phó biến đổi khí hậu

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, có chương trình hành động cụ thể.

Trước hết là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; đã bố trí nguồn lực trên 12.000 tỷ đồng cho các chương trình dự án. Nhiều tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa nguồn lực, hợp tác đầu tư; thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo chuyên theo dõi về vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu là rất lớn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm mạnh mẽ hơn, nhất là những hạ tầng ưu tiên vào những vấn đề có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình biến đổi khí hậu.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ chính sách để các tôn giáo cùng bình đẳng phát triển.

Trả lời đại biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, có hơn 25,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Chưa đất nước nào có hàng vạn chùa, nhà thờ khắp đất nước, được Giáo hội phật giáo Thế giới chọn để tiến hành 3 đại hội. Ngôi chùa mới nhất là chùa Tam Chúc đang được xây dựng ở Ninh Bình.

Việt Nam, như vậy, rõ ràng là một đất nước tự do tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước phát luật. Thời gian qua, các tôn giáo đều đoàn kết trong nhân dân, có sự đóng góp của hàng triệu tín đồ.

Tất nhiên còn những hiện tượng lợi dụng tôn giáo nhưng chỉ là số rất ít. Thủ tướng khẳng định, tới nay Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn để thi hành Luật Tôn giáo tín ngưỡng để đảm bảo một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, là công cụ hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

“Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”.

Thủ tướng cho rằng, còn nợ nhiều lắm, nhưng để thực hiện Luật chính sách nhà nước và Luật đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng các bộ ngành Trung ương đã được rà soát (chốt đến tháng 12/2014).

Chúng ta đã xử lý đúng quy định pháp luật và Chính phủ cũng như các bộ ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội.

Chính phủ cũng đã trình Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần./.

Theo chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất