Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận chính quyền, thực tiễn và những vấn đề đặt ra

Chỉ đạo tập trung, triển khai đồng bộ

Năm 2018 ghi dấu ấn và thành tích của các địa phương, bộ, ngành cả nước trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước. Năm 2018 cũng là năm Chính phủ xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Chính phủ đã ban hành các chương trình, giải pháp nỗ lực cải cách hành chính, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, khi mà cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương, bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức tới công tác dân vận, chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng; nhiều địa phương chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thể hiện tính công khai, minh bạch còn yếu. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, công chức quan liêu, xa dân, thậm chí gây nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân. Trong bối cảnh in-tơ-nét và mạng xã hội phát triển bùng nổ, một số tình huống diễn ra chưa được đánh giá, dự báo kịp thời diễn biến tư tưởng của quần chúng...

“Năm dân vận chính quyền” 2018 đã ghi nhận sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn quốc với sự lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua các chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các trọng tâm: nâng cao năng lực quản lý nhà nước; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ; giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; tăng cường sự phối hợp của MTTQ, huy động hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ tham gia công tác dân vận…

Nhìn chung, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng các bộ, ngành đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình địa phương, bộ, ngành. Từ đó các tổ chức đảng trực thuộc đã xây dựng, triển khai đồng bộ các chương trình kế hoạch “Năm dân vận chính quyền” gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực tế khẳng định, năm 2018, công tác dân vận nói chung và DVCQ nói riêng đạt nhiều chuyển biến tích cực, từ nhận thức đến hành động. Nhiều tỉnh, thành phố, với sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo nên sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực công tác này. Thông qua các chương trình hành động, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Các chương trình công tác và hoạt động thực tiễn hướng mạnh vào ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; giải quyết những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân; tích cực trong việc đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh, chính trị, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất...

Chủ trương đi vào cuộc sống

Một năm qua, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có nhiều cuộc kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ DVCQ tại nhiều địa phương, bộ, ngành trong toàn quốc. Triển khai chủ trương của Trung ương, từng địa phương, các bộ, ngành đã có chương trình hành động cụ thể, sáng tạo. Nhiều tỉnh đã triển khai “Tháng dân vận chính quyền”. Tỉnh Hậu Giang tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân theo hình thức mới, theo đó, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND tỉnh, huyện đối thoại với dân, yêu cầu từng ngành trả lời. Quận 4, TP Hồ Chí Minh coi trọng nâng cao đạo đức công vụ; các cơ quan thực hiện giám sát, khi phát hiện cán bộ phạm khuyết điểm, chưa làm đúng chức trách, được yêu cầu công khai xin lỗi dân. Nền nếp này đã thúc đẩy cải cách hành chính, tinh thần phục vụ nhân dân tại các cơ quan công quyền trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang trao đổi: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh đã hướng mạnh vào nhiệm vụ cải cách hành chính, với mục tiêu yêu cầu đội ngũ công bộc của dân “trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân”, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và nội lực phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2018 tỉnh đã đạt tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn là 99,94% (tăng 13% so với năm 2017). Toàn tỉnh đã xây dựng 2.588 mô hình “dân vận khéo”, trong đó có 108 mô hình hiệu quả tại lực lượng vũ trang tỉnh, các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi...

Tỉnh Cà Mau triển khai ký kết các chương trình phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Đằng đánh giá, do hoạt động hiệu quả, ban dân vận các cấp đã khẳng định được vai trò, vị trí của ngành trong công tác tham mưu cấp ủy về công tác dân vận, góp phần tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra gồm đại diện lãnh đạo của một số ban Đảng, bộ, ngành Trung ương làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Từ thực tiễn công tác DVCQ lãnh đạo tỉnh đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý về: nắm chắc tình hình nhân dân và xử lý sớm, tận gốc vấn đề phức tạp từ cơ sở; duy trì nghiêm chế độ giao ban của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác dân vận; đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai, minh bạch thông tin liên quan quyền lợi của người dân; chương trình hành động nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ gắn liền việc đánh giá định kỳ cán bộ, công chức.

Tại Bộ Tư pháp, Ban Cán sự đảng đã ban hành kế hoạch, xác định chín nhóm nhiệm vụ của năm, các giải pháp phát huy vai trò công tác dân vận gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Bộ Tư pháp đẩy mạnh tham mưu, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận phù hợp với thực tiễn, đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng hợp pháp của nhân dân; đề xuất các giải pháp bảo đảm tăng cường sự tham gia rộng rãi của người dân trong công tác xây dựng pháp luật... Năm 2018, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ đã hoàn thành 52/52 nhiệm vụ; kết quả thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao; đơn giản hóa 49/94 điều kiện kinh doanh; mở rộng diện người được trợ cấp pháp lý từ sáu lên 14 diện...

Lực lượng vũ trang vào cuộc với nhiều chương trình hành động, gắn liền các mô hình hiệu quả sát với nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa bàn; cử hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, nhất là tại các địa phương khu vực Tây Bắc, miền trung và Tây Nguyên... Trong quân đội, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã tổ chức kết nghĩa với gần 11 nghìn đầu mối đơn vị dân sự; tham gia xây dựng cơ sở chính trị tại hơn ba nghìn xã, phường... Cán bộ, chiến sĩ quân đội còn tích cực tham gia và giải quyết hiệu quả hàng nghìn vụ việc phức tạp nảy sinh trên địa bàn đóng quân; liên kết hộ với năm nghìn cặp gia đình người Kinh và người dân tộc thiểu số để giúp nhau làm kinh tế. Các đơn vị chủ động góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội địa bàn, tạo điều kiện cho địa phương và nhân dân phát triển kinh tế. Những việc làm và kết quả đạt được trong công tác dân vận đã góp phần thắt chặt quan hệ quân dân, tô thắm thêm hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Vũ trang trong tình hình mới.

Thực tiễn và những yêu cầu đặt ra

Tựu trung, qua “Năm dân vận chính quyền” 2018, công tác dân vận của Đảng đã có sức lan tỏa, đạt chiều sâu, tầm cao và những hiệu quả mới. Các bộ, ngành, địa phương đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ đảng viên, cả hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương nói riêng. Cấp ủy, chính quyền các cấp có thêm nhiều cách làm mới, sáng tạo trong công tác dân vận; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan nhà nước từng cấp.

Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Hà Ngọc Anh khái quát bài học: Nơi nào cấp ủy, người đứng đầu vào cuộc đồng bộ, phát huy tốt vai trò của MTTQ, thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nơi đó công tác DVCQ đạt hiệu quả, tạo niềm tin khơi dậy khí thế trong quần chúng. Nhân dân thêm hiểu rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đã củng cố niềm tin đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, cần thấy công tác DVCQ hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc thực hiện công tác dân vận ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả thấp. Còn những cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân vận; sự phối hợp giữa một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Một số địa phương, việc lấy ý kiến của nhân dân đối với các dự thảo chính sách, pháp luật, nhất là về chính sách đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân… còn hình thức; trách nhiệm, phương pháp công tác dân vận trong một bộ phận cán bộ, công chức, người lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới...

Ở một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương, việc phổ biến, quán triệt, triển khai chủ trương tới cán bộ, công chức còn chậm. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ở một số đơn vị chưa thường xuyên; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa gương mẫu, đi đầu trong thực hiện công tác dân vận nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời. Sự phối hợp các cơ quan, đơn vị trong tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và ý kiến đề đạt, kiến nghị từ một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị còn thụ động, hiệu quả thấp.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Bảo đảm tạo chuyển biến hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mối quan hệ với nhân dân; có giải pháp tốt hơn trong nâng cao trách nhiệm, đạo đức phục vụ nhân dân. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tăng chỉ số hài lòng của người dân, đơn vị về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Cấp ủy, chính quyền cần tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các địa phương, cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”. Cùng với vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục dựa vào dân, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Lê Mậu Lâm/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất