Tại Diễn đàn khoa học "Thực trạng và giải pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam", bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi siêu thị thực phẩm sạch phục vụ cư dân thủ đô.
|
TP.Hà Nội ra mắt trang thông tin điện tử buaanantoan.vn. |
An toàn thực phẩm – vấn đề bức xúc
Bà An nhận định, vấn đề an toàn thực phẩm là một vấn đề bức xúc mà cho tới nay khi báo đài không tích cực đưa tin thực phẩm bẩn, thì tình trạng cũng không được cải thiện bao nhiêu. Đáng nói, tại Hà Nội, mất an toàn thực phẩm không chỉ là câu chuyện cho riêng người dân mà còn là của khách du lịch trong và ngoài nước đến Thủ đô.
Trong năm 2017, Liên Hiệp hội Khoa học - kỹ thuật TP. Hà Nội được giao nhiệm vụ kéo dài 3 năm (từ năm 2017-2020) cùng với 3 cơ quan: Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương Hà Nội thực hiện chuỗi gian hàng nông nghiệp, thực phẩm sạch.
Việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ nông trại đến bàn ăn là mô hình Hà Nội hướng đến và hy vọng đây sẽ là giải pháp hiệu quả, mang lại tính đột phá nhằm giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm với sức khỏe người dân hiện nay. Đây là chương trình “Bữa ăn an toàn” do UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì. Được sự tin tưởng vào tầng lớp trí thức khoa học của Liên hiệp hội Hà Nội, các đơn vị thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo để thống nhất về mặt chủ trương thực hiện nhiệm vụ.
"Lâu nay chúng ta gặp khó vì không hiểu vì sao lại không thành công, không đạt mục tiêu. Đó là bởi cách thức thực hiện còn vướng luật, vướng văn bản. Giữa một rừng luật và rừng văn bản như vậy, cần có Ban chỉ đạo để đi xuyên suốt các hoạt động, nắm chắc và điều chỉnh các hoạt động sao cho đúng với mục tiêu đề ra, các vướng mắc về văn bản, pháp luật thì lấy đó làm kinh nghiệm để phản ánh sửa đổi" - bà An chia sẻ.
5 Nhà cùng chung tay quản lý
Chương trình "Bữa ăn an toàn" được thiết lập theo dạng Diễn đàn kết nối của "5 nhà" (Nhà Nước, nhà khoa học, nhà báo, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng). Sự kết nối tập thể như vậy không chỉ nhằm phát hiện thực phẩm mất an toàn mà còn giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý để kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm ngay từ khâu đầu tiên. Sự phối hợp “5 nhà” phải hướng tới mục tiêu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Trong đó, Sở Y tế giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm do các doanh nghiệp tham gia chương trình cung cấp bằng cách giám sát và chọn ngẫu nhiên mẫu thực phẩm tại bữa ăn gia đình. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đánh giá kiến thức của người tiêu dùng tại những khu chung cư thực hiện thí điểm.
Sở Y tế chủ động phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Sở Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm nguồn gốc thực phẩm đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thị trường.
Đồng quan điểm trên, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới sẽ tổ chức nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp công nghệ phù hợp cho việc nuôi trồng, chế biến thực phẩm an toàn, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Các sở Công thương, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông sẽ cùng phối hợp triển khai, cung cấp danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm tham gia cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm cho chương trình. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát việc sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông nông sản và thủy sản. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông thuộc phạm vi quản lý.
Chương trình cũng cho ra mắt trang thông tin điện tử buaanantoan.vn. Đây là trang tin điện tử đầu tiên chuyên cung cấp thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn những địa chỉ thực phẩm an toàn. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng qua buaanantoan.vn có thêm cơ hội để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của bà Bùi Thị An, tất cả các sản phẩm được bày bán trong cửa hàng thực phẩm sạch này phải có đầy đủ giấy chứng nhận ATTP. "Người quản lý cửa hàng phải xác định rõ ràng, chương trình này tạo ra không tư lợi gì cả. Do vậy, ai cũng bình đẳng, chỉ cần có đủ điều kiện, đúng thủ tục trình tự pháp luật cho phép thì được bán trong cửa hàng. Nếu không đủ điều kiện thì dù có thân thiết, anh em bạn bè cũng phải từ chối" - bà An chia sẻ.
Bà An cho hay, nếu xảy ra sự cố về thực phẩm từ các loại thực phẩm bán trong cửa hàng, đại diện của cửa hàng đó phải kiểm tra lại các vấn đề phát sinh. Nếu thực phẩm có vấn đề về các chỉ tiêu an toàn, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, loại tên nhà cung cấp đó và công bố danh tính trên phương tiện truyền thông cũng như trực tiếp gửi tới cơ quan chức năng trong Ban chỉ đạo.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra cũng được tiến hành bí mật, luân phiên cán bộ đi kiểm tra và hỏi thăm khách hàng, nhận định của khách hàng. "Tại siêu thị Bữa ăn an toàn số 1 (Tầng 1 - 34T Trung Hòa Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều khách hàng tới đây lựa chọn thực phẩm và nói với tôi rằng, rất hài lòng từ khi có siêu thị tại đây. Vừa tiện lợi, an toàn lại đảm bảo. Có người còn giới thiệu tôi đến đây chọn đồ thực phẩm nữa" - bà An cho biết.
Mạnh Khôi