Hiện có 70% chợ đầu mối, chợ hạng 2 ở Hà Nội chưa có cam kết kinh doanh an toàn thực phẩm (ATTP). Điều này cho thấy, việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh ATTP tại chợ còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai và 6 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối gồm: chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ hoa Quảng An và chợ cá Yên Sở.
Đánh giá về hoạt động của các chợ đầu mối hiện nay, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, hiện hầu hết các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối đang hoạt động kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủy sản. Do quy mô nhỏ nên các chợ này chưa đảm nhận được chức năng đầu mối để tập trung các mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tổng lực hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối để phân phối cho thị trường Hà Nội chỉ chiếm chưa đến 30%.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho hay: Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt do các quy định của pháp luật về ATTP tại chợ còn chưa rõ ràng, chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ ngỏ; công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa quyết liệt; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về ATTP còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao. Mặt khác, do ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người kinh doanh chưa cao.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng, UBND TP. Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ khâu sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản ATTP. Luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất, có các chính sách nhằm phát triển tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cung cấp các thông tin về vùng sản xuất, sản phẩm đặc trưng, doanh nghiệp tiêu thụ, thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả. Đào tạo nguồn nhân lực tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kiến thức nhận diện sản phẩm an toàn, kiến thức vệ sinh ATTP, kỹ năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh; quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào đối tượng sản xuất rau, quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với Chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thí điểm, duy trì các mô hình ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với việc chứng nhận điều kiện, chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận phù hợp quy định ATTP....
Năm 2016, các ngành, các cấp của UBND thành phố đã kiểm tra 102.644 lượt cơ sở, phát hiện 16.521 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.985 cơ sở với số tiền phạt trên 28 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2017, kiểm tra 63.693 cơ sở, phát hiện 10.735 cơ sở vi phạm ATTP. |
Nguyễn Hạnh