Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 vào tháng 2/2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với sự tham dự của đại diện các bộ ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương và địa phương, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, lo vấn đề ATTP là lo cho sức khỏe người dân, nếu ăn thực phẩm không đảm bảo, chẳng khác gì “1 đồng ăn vào, mất 3 đồng tiền thuốc”.
Do vậy, ông Sửu đánh giá cao về kế hoạch hành động về ATTP của Bộ NN&PTNT là rất kịp thời, quan trọng, chứ không như dạng “văn bản trên trời và cuộc đời dưới đất”.
Theo ông Sửu, sản xuất là cái gốc, nếu không kiểm soát từ gốc, người dân không tự giác sản xuất đảm bảo thì sẽ rất khó kiểm soát. “Đây là áp lực không chỉ của Hà Nội mà còn với các địa phương khác. Hà Nội đang phải lo bữa ăn cho khoảng 10 triệu người sinh sống, đảm bảo thực phẩm an toàn là rất quản trọng”- ông Sửu nói.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, năm 2017, Thành phố có tới 500 thanh tra viên về ATTP, số hộ cam kết ngay từ đầu về sản xuất đảm bảo an toàn là 11,3 vạn hộ. Lực lực chức năng đã thanh tra 2,1 vạn cơ sở những chỉ chỉ phát hiện trên 2.100 cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 10%, dù có giảm so với năm 2016, nhưng tỷ lệ trên lãnh đọ thanh phố cho rằng vẫn còn cao.
Theo ông Sửu, ngoài các giải pháp đang triển khai, Hà Nội hiện đang có 5 xe test nhanh kết quả ATTP, có thể kiểm tra ngay độ an toàn của rau quả, thịt, thủy sản… Nếu phát hiện vi phạm, có thể xử phạt tiền tươi ngay để răn đe. Cùng đó sẽ tăng cường kiểm soát và xử lý giết mổ nhỏ lẻ.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2018, Thành phố sẽ đặt mục tiêu 100% số hộ sản xuất cam kết không vi phạm về an toàn thực phẩm. “Chúng ta phải tiến tới sự minh bạch như các nước mới làm được. Năm nay, thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện đưa chỉ tiêu về kiểm soát ATTP là một trong những tiêu thi đua, chấm điểm với các địa phương”- ông Sửu nói.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm
Thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành ủy, UBND cùng các ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy ngày 27/10/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội”, Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 26/12/2017 của UBND thành phố Hà Nội về công tác An toàn thực phẩm năm 2018. Văn bản số 21/STTTT-BCXBTT đẩy mạnh tuyên truyền công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Theo đó, căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố, để người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nâng cao nhận thức, thực hiện đúng về ATTP, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến về Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các quy định pháp luật mới về ATTP.
Tổ chức tuyên truyền kịp thời về Tháng Hành động vì ATTP, Tháng cao điểm về ATTP trên toàn Thành phố, Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP giữa UBND và UBMTTQ Việt Nam các cấp, Phong trào thi đua vì ATTP, phòng chống ngộ độc Methanol.
Đồng thời, thông báo chính xác, rộng rãi về các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và các cơ sở chưa đảm bảo ATTP; Kinh nghiệm ở một số địa phương làm tốt công tác ATTP. Thực hiện đúng các quy định về quảng cáo thực phẩm; kiểm soát thông tin, tránh đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng không tốt đến công tác đảm bảo ATTP, gây hoang mang.
Các Sở, ban, ngành Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động đảm bảo ATTP thuộc lĩnh vực phân cấp quản lý.
Hồng Nga