Thứ Bảy, 11/5/2024
Phát huy vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
 
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương,
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm

Tham dự còn có các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, TB&XH, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động, TB&XH; Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam; các bộ, ban, ngành, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ một số cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh ý nghĩa mang tính thông điệp của buổi tọa đàm trong giai đoạn chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời nêu rõ: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình phát triển đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Kết quả bầu cử đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, Việt Nam có thêm những điểm sáng mới trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị: tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

 Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, Việt Nam xếp thứ 54/190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có sự gia tăng so với 3 nhiệm kỳ gần nhất: ở cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71%. Nhưng nhìn chung, tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực và sự đóng góp to lớn của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam vào cải thiện bình đẳng giới và tăng cường sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam. Bà Mehta cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trị do một số ứng cử viên nữ tiềm năng lại không được công chúng biết đến. Vì vậy, truyền thông có thể đóng một vai trò to lớn trong việc làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ. Truyền thông có sức mạnh để định hình các giá trị xã hội, các chuẩn mực giới và các ý tưởng, là những công cụ quan trọng nhất đem lại sự thay đổi tích cực và phá vỡ những khuôn mẫu. Truyền hình, báo chí… cần phải giúp làm hiện rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ về truyền thông, cơ hội xuất hiện bình đẳng của cả hai giới trong cả quá trình bầu cử.

Vai trò của MTTQ Việt Nam đối với việc đảm bảo bình đẳng giới trong bầu cử Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ tới; Một số giải pháp nhằm đảm bảo tỉ lệ phụ nữ ứng cử; Một số lưu ý trong công tác tuyên truyền nhằm tăng tỉ lệ đại biểu nữ; Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền bầu cử và một số đề xuất, kiến nghị của cơ quan truyền thông… là những nội dung chính được các đại biểu trực tiếp tham gia trao đổi, thảo luận. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm này và nhấn mạnh, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước. Tăng tỉ lệ nữ trong các cơ quan dân cử luôn là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng của mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; đây cũng là chỉ tiêu đánh giá mức độ tiến bộ của từng quốc gia trong lĩnh vực này.

Việt Nam đã xây dựng được các nền tảng để đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia chính trị như tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, có Luật Bình đẳng giới và ngày càng có nhiều đạo luật được lồng ghép giới, có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong cấp ủy đảng, bộ máy nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác. Trong quá trình khắc phục những hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.

Đồng chí Trương Thị Mai mong muốn các cơ quan truyền thông thể hiện vai trò đồng hành khuyến khích, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tập trung tuyên truyền các nội dung cụ thể, thiết thực: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; các mục tiêu và những nỗ lực của các ngành, các cấp nhằm nâng cao tỉ lệ nữ ĐBQH và HĐND; vai trò và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý; tích cực tuyên truyền nhằm giảm thiểu các định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ...

Phương Thủy

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất