Thứ Ba, 14/5/2024
Vì một Quốc hội của dân, do dân, vì dân

Quốc hội của thời kỳ đổi mới, hội nhập

Các ý kiến của đại biểu QH phát biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của QH do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày. Báo cáo đã chuẩn bị công phu, đề cập toàn diện, khái quát các hoạt động của QH trong cả nhiệm kỳ, qua đó khẳng định được những kết quả to lớn và quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của QH.

Các đại biểu QH đã chuyển tải ý kiến của đông đảo cử tri và nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực hoạt động của đại biểu QH, của các cơ quan QH, của Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) trong việc thực hiện chức năng được giao. QH Khóa XIII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Về lĩnh vực lập hiến, lập pháp, QH đã tổng hợp ý kiến của nhân dân bàn bạc, thảo luận và đi đến quyết định ban hành Hiến pháp năm 2013 với những điểm đổi mới phù hợp với lòng dân. Trong đó, nhấn mạnh nội dung quan trọng mà nhân dân, cử tri rất hoan nghênh là Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân. Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân để thể chế hóa đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Nhà nước đã khẩn trương soạn thảo trình QH thẩm tra, thảo luận, quyết định ban hành hơn 100 bộ luật, luật với chất lượng cao nhằm đáp ứng được việc quản lý điều hành của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Đây là nhiệm kỳ QH ban hành nhiều luật nhất so với các khóa trước. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu việc thông qua các bộ luật quan trọng bảo đảm quyền công dân và quyền con người đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn, được người dân và cử tri đồng tình. Đó là các Bộ luật: Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự và Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giam tạm giữ; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự... Điều đó cho thấy, QH, đại biểu QH kiên định theo hướng cải cách tư pháp, cũng theo hướng luật hóa quyền công dân, quyền con người. Đây là một bước cải cách lớn của QH đối với hoạt động tư pháp.

Các đại biểu: Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu QH nhấn mạnh: Đạt kết quả nêu trên, trước hết QH đã tự đổi mới và biết nghe tiếng nói từ nhân dân. Bên cạnh đó, từng vị đại biểu QH thấy được trách nhiệm của mình trước nhân dân, gắn bó với nhân dân, mang những suy tư, trăn trở của nhân dân vào nghị trường, tạo nên tầm vóc mới của QH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, đại biểu QH luôn trong tâm thế nhiệt huyết đưa đất nước hướng đến phồn vinh, đưa chất lượng kỳ họp ngày càng nâng lên, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân. Hoạt động của QH không ngừng đổi mới. Sự điều hành của Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH đã để lại dấu ấn về sự điều hành nhạy bén, góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn thành công của các kỳ họp. Nhắc lại giờ phút thiêng liêng QH bấm nút thông qua bản Hiến pháp năm 2013 lịch sử, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ tình cảm tự hào là đại biểu QH Khóa XIII, mỗi một đại biểu đều nỗ lực góp phần nói lên tiếng nói của nhân dân, trăn trở trách nhiệm với dân, với nước...

Băn khoăn chất lượng giám sát và xây dựng pháp luật

Nhiều đại biểu QH cho rằng, kết thúc nhiệm kỳ, QH Khóa XIII đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, trên nhiều lĩnh vực, sẽ là cơ sở để đề ra nhiều kinh nghiệm, bài học, tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động của QH trong thời gian tới. Phân tích, đánh giá một số hạn chế được nêu trong báo cáo, nhiều đại biểu cho rằng, về tổ chức và phương thức hoạt động, QH là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa thực hiện hết quyền của QH. Thực tế cho thấy, công tác giám sát phòng, chống tham nhũng chưa cao, công tác xây dựng luật còn thiếu tập trung, một số đạo luật còn chưa đi vào thực tế. Đại biểu đề nghị QH cần có chế tài xử lý cơ quan xây dựng và thẩm tra luật nếu dự án luật đó không đi vào cuộc sống.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), cho rằng vai trò của đại biểu trong xây dựng pháp luật còn hạn chế vì nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào luật. “Đó chính là nguyên nhân cơ bản của việc pháp luật không đi vào cuộc sống. Luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng về bệnh "nhờn luật" và một bộ phận trong xã hội đang đứng lên trên pháp luật...” - đại biểu nói. Lấy thí dụ phản ánh hạn chế của hoạt động ban hành luật, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, việc chậm gửi dự thảo luật để đại biểu QH nghiên cứu, đóng góp ý kiến vẫn xảy ở các kỳ họp. Việc ban hành luật nhưng trong đó vẫn còn có những điều luật chưa cụ thể, dẫn đến tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, tạo khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho việc lách luật, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Về thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoạt động giám sát của QH, nhiều đại biểu nhận xét đã có nhiều nội dung sát với yêu cầu bức xúc của nhân dân, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới, đã đi vào chiều sâu với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, dân chủ, công khai, mang tính chất đối thoại, tranh luận qua từng kỳ họp. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tối cao của QH thông qua chất vấn tại kỳ họp, thông qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, mang lại nhiều kết quả. Những năm qua, giám sát chuyên đề đã bao quát các vấn đề bức xúc và cấp thiết trong đời sống xã hội, như: ô nhiễm môi trường; quy hoạch phát triển thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo hiểm y tế; xóa đói, giảm nghèo; sử dụng đất đai các nông, lâm trường... Hoạt động giám sát tối cao của QH đạt chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động chung của QH, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, dấu ấn tại kỳ họp thứ 10 QH Khóa XIII, lần đầu tiên QH đã tiến hành chất vấn toàn khóa đối với những người đứng đầu của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của QH. Tại phiên họp này, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ và ba Phó Thủ tướng, 16 bộ trưởng, trưởng ngành cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao đã đối thoại với các đại biểu QH. Điều đó thể hiện sự đổi mới có hiệu quả, phát huy dân chủ sâu rộng, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các chức danh, của các cơ quan nhà nước được QH bầu hoặc phê chuẩn. Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề cập bốn cái “hơn” trong đánh giá về QH nhiệm kỳ Khóa XIII, đó là “Đổi mới mạnh mẽ hơn; Dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; Trách nhiệm hơn và được cử tri tín nhiệm nhiều hơn...”.

Bên cạnh những kết quả trong hoạt động giám sát, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, tổ chức giám sát và cách thức tổ chức giám sát có lúc, có nơi còn hình thức và kém hiệu quả. Thành viên của Đoàn giám sát chưa bảo đảm yêu cầu của nội dung giám sát, thời gian giám sát ngắn, chủ yếu chỉ nghe báo cáo và ít giám sát trực tiếp cho nên hiệu quả chưa cao. Để giám sát có hiệu quả, đại biểu đề nghị QH nên chọn nội dung giám sát, tránh dàn trải, nên chăng chỉ chọn 1 đến 2 nội dung trong một cuộc giám sát tại một địa phương hoặc một đơn vị; mỗi năm chỉ cần giám sát một lần nhưng đi vào chuyên sâu, giám sát mang tính chi tiết.

Nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu QH

Nhiều ý kiến trong buổi làm việc đề nghị QH cần cơ cấu hợp lý hơn thành phần đại biểu theo hướng gia tăng hơn nữa tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động của QH. Đại biểu Huỳnh Nghĩa lập luận, QH phải hướng đến chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân. Đề nghị QH khóa mới nên nghiên cứu chọn đại biểu chuyên trách có tâm, xứng tầm để QH đổi mới hơn nữa. Đề nghị QH tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách lên hơn 40%, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, nhiều cử tri nơi ứng cử thậm chí còn đề nghị QH thời gian tới tăng số đại biểu này lên mức 60% trong tổng số đại biểu QH.

Chung quanh nội dung này, đại biểu Nguyễn Đức Châu (Quảng Trị) và nhiều đại biểu nói, việc QH còn nặng về cơ cấu đại biểu QH kiêm nhiệm, có thể dẫn đến không chọn được người giỏi. Đại biểu kiêm nhiệm, có thể sẽ không phát biểu được những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lĩnh vực và địa phương mình công tác. Hơn nữa, QH không có đánh giá riêng đối với từng đại biểu, có chăng chỉ là cử tri đánh giá, cơ chế như vậy rất khó để đổi mới chất lượng đại biểu QH.

 
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại hội trường. ẢNH: THANH CHƯƠNG 


Cho ý kiến về các nội dung trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và đề xuất những kiến nghị đối với QH, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận, đến nay, giữa chất lượng đại biểu QH và cơ cấu đại biểu QH chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, hợp lý. Tình trạng chất lượng đại biểu QH không đồng đều, nặng về cơ cấu, phần lớn đại biểu là kiêm nhiệm gây khó khăn cho việc bố trí thời gian và tham gia các kỳ họp, hoạt động của QH. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần quan tâm xử lý tốt hơn việc cơ cấu và chất lượng của đại biểu QH trong thời gian tới.

Tỷ lệ các đại biểu QH tham gia Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, cũng được nhiều đại biểu QH quan tâm. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), trong Hội đồng Dân tộc của QH, đa số các đại biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nên có thêm một số đại biểu là người dân tộc đa số. Trong các ủy ban của QH, phải có một số đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia làm thành viên. “Có như vậy, chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH mới toàn diện hơn trong việc lập hiến, lập pháp, giám sát quyết định những vấn đề lớn của đất nước”.

Khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của các nữ đại biểu QH, đại biểu trẻ, đại biểu các dân tộc thiểu số, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị bổ sung đánh giá kết quả, chất lượng hoạt động của các đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số vào báo cáo tổng kết của nhiệm kỳ QH. Những kết quả này góp phần rất quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của QH, là cơ sở để nhiệm kỳ QH Khóa XIV quan tâm hơn về tỷ lệ cơ cấu đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số...

Nêu ba hạn chế của Kiểm toán Nhà nước "là chưa đủ"

Đề cập Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng KTNN, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, Báo cáo nêu ba hạn chế là chưa đủ, cần đánh giá rộng hơn về thực hiện kiến nghị của KTNN. Theo báo cáo: quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, trung bình hằng năm thực hiện 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới. Qua đó góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, đạt 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng)... Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa đạt yêu cầu so với thực tế. Do vậy, báo cáo cần làm rõ do ý thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, hoặc tìm hiểu nguyên nhân chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện các kiến nghị, đề nghị xử lý tài chính của KTNN.

Cùng với đó, một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận xã hội bức xúc như đầu tư công, nợ công, chất lượng một số công trình, dự án còn ít được kiểm toán. Do vậy, nhiệm kỳ tới, KTNN cần tập trung vào các lĩnh lực được dư luận xã hội quan tâm, như: Hiệu quả của việc sử dụng vốn vay; chất lượng đầu tư về một số công trình, dự án… Từ đó góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động kiểm toán, góp phần vào việc quản trị tài chính quốc gia, quản trị doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng: Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng KTNN cần làm rõ những kết quả đạt được, chưa đạt được, cần so sánh với nhiệm kỳ trước. Theo báo cáo, tổng hợp kết quả từ năm 2011 đến năm 2014, cho thấy: các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý tài chính 51.625 tỷ đồng, bằng 65% kiến nghị hợp lý; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 văn bản và nhiều văn bản khác đang được các đơn vị tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hằng năm, cơ quan KTNN chỉ thực hiện hoạt động kiểm toán được 40 đến 50% ngân sách; mỗi huyện chỉ thực hiện kiểm toán được từ một đến hai xã… Một trong những nguyên nhân do biên chế của cơ quan kiểm toán quốc gia chỉ có khoảng hơn 1.900 người. Nếu lực lượng làm nhiệm vụ kiểm toán mỏng, sẽ gặp khó khăn trong công tác kiểm soát việc thu, chi ngân sách…

Theo các đại biểu, để hoạt động KTNN đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, cần củng cố bộ máy và đội ngũ người làm công tác kiểm toán; bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên đi đôi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTNN; có cơ chế kiểm toán, khen thưởng rõ ràng. Nhất là, cơ quan KTNN phải theo dõi, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đến cùng, bảo đảm cơ quan KTNN thật sự là "thước đo" việc sử dụng ngân sách và tài sản công…

Trong 5 năm qua, QH đã thông qua hơn 100 luật, gồm cả sửa đổi và ban hành mới. Nhiều về số lượng nhưng còn những luật chưa thật sự đi vào cuộc sống. Công tác giám sát, tổ chức, cụ thể hóa pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành vẫn còn chậm. Nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn tác động của luật với thực tế xã hội, lấy ý kiến sâu rộng các đối tượng chịu tác động của luật. Như vậy, những luật này mới thật sự bám sát đời sống, thể hiện rõ nét quyền con người và sự quản lý của Nhà nước với xã hội.


Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long)

Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế trong minh bạch về thu nhập của cán bộ nhà nước, bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo, lượng cán bộ công chức quá lớn… Nhưng biện pháp khắc phục cụ thể tình trạng này mới là vấn đề cần quan tâm. Nếu vẫn còn cơ chế “xin-cho” thì không bao giờ giải quyết được những hạn chế nêu trên. Về vấn đề này, chúng ta đã có luật, và luật cũng đã có hiệu lực. Luật đã có hiệu lực mà không thực thi nghĩa là luật chưa nghiêm.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 28/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi