Vị thế đất nước ngày càng được nâng cao
Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước,
đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khẳng định,
kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng
toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước và sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ
công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc
kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội, nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc
phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy
quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị
thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, giữ gìn môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đại biểu Nguyễn Anh
Sơn (Nam Định) cho rằng, trong nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, có những
điểm sáng là: Chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây
dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ
công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp
quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Triển khai tích cực
và hiệu quả chương trình công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá
trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta;
luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân,
lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp
nhân dân.
Về một số hạn chế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) và
nhiều đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ, trước một số vấn đề quốc kế
dân sinh hệ trọng, bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu
Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 90 Hiến pháp; công tác
kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu
quả và khả năng trả nợ còn hạn chế… Các đại biểu nêu lên nguyên nhân
khách quan của những hạn chế, khi một số nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ
tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định, song trên thực tế còn
thiếu cơ chế cụ thể, chưa đủ hiệu lực thực thi cho nên khi triển khai
còn vướng mắc.
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thành công lớn nhất trong
nhiệm kỳ là chỉ đạo, điều hành nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ, kiểm soát thị
trường. Đồng thời, chỉ đạo triển khai Hiến pháp năm 2013, tổ chức xây
dựng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện phát triển
sản xuất, kinh doanh; tập trung củng cố nền quốc phòng toàn dân, an
ninh nhân dân, qua đó góp phần đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá
cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều bất ổn,
nhiều nước tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số đại biểu cho
rằng, trong nhiệm kỳ, năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành
phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ có lúc còn hạn chế, cho nên
việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn,
tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp
chưa kịp thời. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị
trường ngoài nước, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu
quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian
lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế… Trong tổ chức bộ máy, quản
lý nền hành chính quốc gia, một số đại biểu cho rằng, kết quả cải cách
hành chính chưa cao, một số thủ tục còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo,
nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, tình trạng nhũng nhiễu,
phiền hà người dân chậm được khắc phục. Hệ thống cơ quan hành chính nhà
nước chưa đồng bộ, thống nhất; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng
kềnh, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù
hợp cơ chế thị trường. Hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức chưa cao, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm,
phẩm chất, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức
chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới… Việc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn, thậm chí, tham nhũng
không những chưa được đẩy lùi mà ngày càng phức tạp; tình trạng lãng
phí còn xảy ra khá phổ biến; tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy
luân chuyển” ngày càng trầm trọng khiến dư luận xã hội bức xúc mà chưa
có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật
hành chính trong chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ; chú trọng chất
lượng tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững; bảo đảm an sinh
xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tình
hình nước biển xâm nhập mặn, hạn hán hiện nay. Coi trọng công tác tổng
kết thực tiễn, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp gắn với hoàn thiện thể
chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nâng
cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường các biện pháp
bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, tiếp tục giảm tai
nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, mất vệ
sinh an toàn thực phẩm, cháy nổ, tai nạn lao động, tệ nạn xã hội và các
vi phạm pháp luật, tội phạm.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truy tố, xét xử
Góp ý về công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chánh án TAND tối cao,
Viện trưởng KSND tối cao, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và một số
đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ, hai ngành chức năng nêu trên đứng
trước yêu cầu, đòi hỏi rất lớn về cải cách tư pháp và đã đạt được những
kết quả tích cực. Công tác xây dựng ngành ngày càng đi vào chiều sâu
và đạt hiệu quả thiết thực, nhất là chấn chỉnh tác phong, thái độ và xử
lý nghiêm những vi phạm của cán bộ, công chức. Chú trọng rà soát,
thanh tra, kiểm tra nâng cao chất lượng công tố, xét xử; rà soát việc
xử lý án oan sai bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm; phối hợp
chặt chẽ các cơ quan tư pháp trong hoạt động xét xử, cùng phân tích,
đánh giá làm rõ vấn đề để phán quyết, tránh oan sai; đề cao vai trò
quyền con người, quyền công dân... Tuy nhiên, chất lượng tranh tụng tại
phiên tòa, chất lượng phán quyết vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, đội
ngũ cán bộ hai cơ quan còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng chất lượng,
cho nên còn để xảy ra án tồn đọng, án oan sai… Nhiều ý kiến đề nghị,
thời gian tới, hai ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các
luật, Nghị quyết của QH về công tác tư pháp; đổi mới và nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác truy tố, xét xử, bảo đảm quyền bào chữa, nâng
cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Có biện pháp mạnh mẽ để kiện
toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, nhất là nâng cao
năng lực, trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán và kiểm
sát viên. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kỷ luật công vụ,
kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh cách sai phạm tiêu cực trong
hoạt động tư pháp.
Trong quản lý kinh tế, hạn chế, thiếu sót lớn nhất là sự thất
thoát, lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Có không ít công trình xây dựng
rất hoành tráng, thí dụ các nhà thi đấu ở các địa phương, mỗi nhà ít
cũng vài trăm tỷ, nhiều thì gần nghìn tỷ, nhưng mỗi một năm chỉ sử dụng
vài ngày.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình)
Khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số với đồng bào khác ở các vùng miền còn khá xa nhau. Đồng bào
dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo
chiếm 47% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Chương trình 30a, chính sách
đối với huyện nghèo và các chính sách khác được Chính phủ ban hành rất
nhiều, nhưng nguồn lực không bảo đảm.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang)
Về trách nhiệm trong các vụ án oan sai, cần đánh giá sự nghiêm
túc, thẳng thắn của hai cơ quan TAND tối cao và Viện KSND tối cao khi
không tìm cách đùn đẩy, bao che mà đưa vụ việc ra để xem xét, xử lý đem
lại công bằng cho người dân, mang lại công lý và sự tin tưởng cho
người dân. Đồng thời nhiều vụ việc oan sai đã được hai cơ quan đã tổ
chức xin lỗi, công khai bồi thường người dân, đây là một sự cầu thị và
do đó niềm tin của người dân cũng tăng lên.
Đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình)