Thứ Hai, 23/12/2024
Hiệu quả công tác giúp đỡ làng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đak Pơ

Được Huyện ủy Đak Pơ (Gia Lai) giao theo dõi, giúp đỡ làng Jun, xã Yang Bắc từ năm 2012, hàng tháng, Hội Cực chiến binh huyện thường xuyên cử cán bộ xuống làm việc với hệ thống chính trị của làng để lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như những khó khăn, đề xuất của bà con để có cách giúp đỡ phù hợp. Chính nhờ sự sâu sát, bám làng, bám dân và triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ cụ thể trong phát triển kinh tế, đến nay số hộ nghèo trong làng giảm rõ rệt. Số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm ngày một tăng nhanh. Cùng với đó, những hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi.

Ông Bùi Hữu Đen - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “So với trước đây, hiện nay nếp nghĩ, cách làm của người dân chuyển đổi tương đối tốt. Ví dụ như trước đây ma chay, cưới xin, thì rất phung phí, lãng phí trong tiêu dùng là rất lớn. Đến bây giờ thì người dân đã nhận thức được vấn đề này. Thứ 2 nữa là trước đây thì ốm đau hay mời thầy cúng nhưng giờ ốm đau thì đưa con cháu đi viện. Đó là những nét mới. Về sản xuất thì hiện nay chuyển đổi cây trồng, cách làm. Trước đây thì trọc, tỉa, trồng  và tự cung tự cấp, còn bây giờ người ta áp dụng khoa học kỹ thuật như chọn cây mía cho năng suất cao, chọn và trồng rau an toàn để cung cấp ra thị trường”.

Căn nhà sàn này vừa được gia đình anh Đinh Jao xây dựng xong với giá trị hàng trăm triệu đồng. Để có được cuộc sống ấm no, sung túc như ngày hôm nay, sau khi được các ngành giúp đỡ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa rẫy sang trồng hơn 5ha mía, mỳ và bắp. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về gần 200 triệu đồng.

Anh Đinh Jao – làng Jun, xã Yang Bắc, Đak Pơ, Gia Lai  nói: “Hồi trước thì khổ lắm nhưng giờ nhờ 2 cơ quan, đơn vị vào giúp đỡ làng, một là đơn vị Hội Cựu chiến binh huyện, hai là Trường Trần Phú ở xã Tân An cũng giúp đỡ làng cho nên giờ đã xóa được cái đói, giảm được cái nghèo”.

Không chỉ đời sống của người dân ngày một nâng lên mà diện mạo nông thôn tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đak Pơ cũng ngày một khởi sắc.

Sau hơn 10 năm triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ  đã phân công 63 cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp đỡ 34 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giúp các làng vươn lên vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, đến thời điểm này, 19/34 chi bộ làng có chi ủy, 34 làng có tổ hòa giải và 23 làng đạt danh hiệu làng văn hóa.

Ông Phan Ngọc Hương – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Từng cấp từng ngành rồi từng cơ quan giúp đỡ để tìm hiểu xem từng làng đang thiếu các tiêu chí nào để giúp đỡ và huy động các nguồn lực để làm cụ thể chứ không phải chung chung nữa. Trên cơ sở đó cũng xây dựng chỉ tiêu hàng năm là giúp cái gì, làm cái gì. Ví dụ như xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đó là khó khăn trong thực hiện tiêu chí 17.6 về xây dựng nhà vệ sinh rồi hệ thống nước sạch và hiện đang làm đồng loạt tại các làng. Đây là việc khó nên đối với các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra hàng tuần, hàng tháng, hàng quý đều có sơ kết, báo cáo”.

Việc huy động cả hệ thống chính trị xuyên bám làng để kịp thời nắm bắt tình hình, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hoá mới đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức của bà con về cách thức làm ăn, bỏ được thói quen trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nhờ đó, các chương trình, dự án khi được triển khai tại cơ sở đều đem lại những hiệu quả cao. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng ổn định hơn./.

Nguồn: gialaitv.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi