Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình tại Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Sở Tư pháp Đắk Lắk, địa phương có 45 xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và xã biên giới, 234 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Do đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nghèo, trình độ dân trí thấp nên thường vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo trái phép, chặt phá rừng, tranh chấp đất đai, di cư ngoài kế hoạch, tảo hôn…
|
Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk tìm hiểu các văn bản pháp lý |
Để hỗ trợ tư vấn pháp luật cho người dân, Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp (Đắk Lắk) đã phối hợp với 12 tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật, các hội đoàn thể bằng nhiều hình thức thiết thực như, thiết lập dường dây nóng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc trên phương tiện thông tin đại chúng, trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn…Các hoạt động trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân tại cơ sở.
Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho 1.270 hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 11 huyện vùng sâu, vùng biên giới như: Krông Bông, M’Đrắk, Lắk, Ea H’leo, Ea Kar, Cư M’gar, Krông Năng, Cư Kuin, Krông Búk, Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó tư vấn 971 vụ việc, tham gia tố tụng hơn 300 vụ việc.
Những khó khăn, vướng mắc của người dân chủ yếu liên quan đến trình tự, thủ tục hành chính như hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai... Bên cạnh việc tổ chức, hướng dẫn và giải đáp pháp luật cho bà con, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, cấp tờ rơi tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chính sách ưu đãi xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk, hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xã trên địa bàn tỉnh được hưởng quyền, lợi ích hỗ trợ về pháp luật hợp pháp, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân. Qua đó, giúp họ nắm vững và hiểu rõ thêm về quyền, nghĩa vụ công dân, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, xoá bỏ dần các hủ tục lạc hậu.
Nguồn: dantocmiennui.vn, 10/8/2018