Thứ Sáu, 19/4/2024
Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cư Pui

Về buôn Khanh những ngày này, nhiều tuyến đường trong buôn đã được “khoác áo mới". Xe chạy bon bon trên những con đường bê tông phẳng lì, đường điện chiếu sáng được kéo đến từng hộ dân trong buôn. Trưởng buôn Y Then M’drang phấn khởi: “Buôn Khanh là buôn đầu tiên của xã đã bê tông hóa được 100% đường giao thông nội buôn và kéo được 2,5 km đường điện chiếu sáng cho tất cả các hộ trong buôn. Từ khi có điện chiếu sáng, tình hình an ninh trật tự ngày càng ổn định, hạn chế nạn trộm cắp vặt. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Trong buôn hiện có 3 nghệ nhân đánh chiêng, 3 bộ chiêng và một đội cồng chiêng chuyên tham gia các sự kiện lớn, nhỏ ở trong và ngoài xã…”


 Đội chiêng buôn Đắk Tuôr biểu diễn tại Lễ khánh thành Trường Tiểu học Cư Pui II

Buôn Khanh có 196 hộ với hơn 980 khẩu, trong đó có 130 hộ đồng bào DTTS. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, do đời sống người dân trong buôn còn khó khăn, hơn nữa trình độ dân trí lại không đồng đều nên công tác tuyên truyền gặp nhiều bất lợi. Trong xây dựng đường giao thông, có những trường hợp khó vận động, Ban tự quản buôn phải kiên trì đến nhà thuyết phục nhiều lần, đồng thời gần gũi nắm bắt những khúc mắc của gia đình để “gỡ khó” dần dần. Chẳng hạn như trường hợp gia đình bà H’Brê Niê, dù đã được vận động nhiều lần mà vẫn không chịu hiến đất để mở đường đi vào khu nghĩa địa của buôn Khanh, Ban tự quản buôn đã họp các hộ dân trong buôn để tìm ra hướng giải quyết. Qua thuyết phục và tìm hiểu, biết gia đình bà đang gặp nhiều khó khăn, người dân thống nhất đóng góp mỗi hộ 100 nghìn đồng để hỗ trợ gia đình bà, nhờ đó bà H’Brê đã đồng ý hiến hàng chục mét vuông đất để mở đường.

Phong trào hiến đất làm đường ở Cư Pui còn lan tỏa đến các thôn người Mông như Ea Uôl, Cư Tê, Cư Rang… Ông Hàu Dũng Cợt ở thôn Ea Uôl chia sẻ, được các cán bộ trong thôn, trong xã tuyên truyền về lợi ích của Chương trình nông thôn mới nên mọi người hiểu được việc Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá và các công trình khác là góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vì thế bà con đã nhiệt tình hiến đất, góp ngày công. Năm 2017, gia đình ông cũng đã hiến 100 mét đất để góp phần xây dựng con đường bê tông nội thôn.

Theo ông Sính Cháng Páo, Trưởng thôn Ea Uôl, không chỉ vận động người dân định canh định cư, chăm lo làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Ban tự quản thôn còn giúp người dân hiểu được các chương trình mục tiêu quốc gia mà Nhà nước đã và đang triển khai; vận động họ giữ gìn an ninh trật tự, tránh xa tệ nạn...


 Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm (bìa trái) thường xuyên gần gũi, thăm hỏi tình hình
của bà con ở các thôn người Mông trên địa bàn

Bên cạnh công tác vận động người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, chính quyền và các ban, ngành xã Cư Pui luôn chú trọng tuyên truyền vận động người dân gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có văn hóa cồng chiêng của đồng bào Êđê, M’Nông. Trong 14 xã, thị trấn của huyện Krông Bông thì Cư Pui là địa phương còn gìn giữ được nhiều chiêng nhất với 29 bộ chiêng còn nguyên vẹn, hơn 100 nghệ nhân đánh chiêng và 11 đội chiêng già, trẻ ở 5 buôn đồng bào DTTS tại chỗ.

Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, thực hiện năm dân vận chính quyền, xã đã triển khai đồng bộ và nhân rộng phong trào thi đua "Dân vận khéo” ở 13 thôn, buôn trên địa bàn, đồng thời phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là nêu cao vai trò của các già làng, người DTTS có uy tín trong công tác vận động quần chúng. Nhờ đó, những năm gần đây đời sống của các thôn, buôn người DTTS trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, nổi bật là cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang.

6 tháng đầu năm 2018, xã Cư Pui phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn trên địa bàn vận động người dân tự nguyện hiến hơn 13.400 m2 đất màu, 300 m2 đất trồng sắn và chặt 411 cây cà phê để thi công các công trình giao thông…

Nguồn: baodaklak.vn, ngày 23/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất