Sáng 20/8, tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Thường trú Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số 2018.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự Diễn đàn. Cùng tham dự có các đồng chí: Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; gần 400 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban ngành, UBND tỉnh Quảng Nam, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong cả nước; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước…
Báo cáo tại Diễn đàn đã dẫn lại báo cáo về giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đáng kể là đã có 4 triệu việc làm mới được tạo ra từ năm 2014; 3,3 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2014-2016; mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Đồng bào DTTS Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn, cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, đồng bào DTTS ở Việt Nam vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG).
Thay mặt các tổ chức quốc tế, ông Achim Fock - quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo khá ấn tượng; đặc biệt tỷ lệ nghèo đã giảm 13% trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Đây được đánh giá là mức giảm mạnh mẽ. Tỷ lệ trẻ em tiếp cận mầm non tăng nhanh….
Ông Achim Fock cho biết thêm: Hiện Ngân hàng Thế giới đang triển khai một số dự án tại Việt Nam nhằm tăng cường tài chính chính và nâng cao đời sống cho người dân; trong đó, đáng kể như việc triển khai Chương trình giảm nghèo miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường vùng đồng bào DTTS; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Chương trình 135; Chương trình cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS….
Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là ưu tiên giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Để đạt mục tiêu trên, ông Achim Fock nhấn mạnh 5 giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới là: Phát triển kỹ năng làm kinh tế, hướng đến xóa nghèo bền vững thông qua đào tạo ngắn hạn cho đồng bào DTTS; cải thiện khả năng tiếp cận tài chính thông qua đổi mới các nguồn hỗ trợ đầu tư và công nghệ tài chính; tăng cường kết nối hạ tầng cho khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS, tạo cơ hội việc làm cho đồng bào; cải thiện thông tin thị trường việc làm để tạo cơ hội việc làm cho đồng bào.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc, miền núi và thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Cho rằng Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số lần này chọn chủ đề "Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS" là một chủ đề rất thiết thực, có ý nghĩa, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương rút ra được những bài học, kinh nghiệm quý, cách làm hay từ Diễn đàn để áp dụng tại địa phương mình.
Phó Thủ tướng cho rằng, để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn sau 2020, các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.
Cùng với nội dung trên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng DTTS và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ trên vùng DTTS và miền núi. Theo Phó Thủ tướng, chỉ có đồng bào DTTS - những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn tài nguyên quý giá, là mái nhà chung, che chở cho người dân nơi đây và vùng hạ du. Vì vậy chúng ta phải có những chính sách hữu hiệu để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính Diễn đàn hôm nay, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương khác để sáng tạo tìm ra hướng đi phù hợp nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Theo dangcongsan.vn