Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã được cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệc quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được phát huy, từng bước giúp bà con nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ.
Đồng chí Mạc Ngọc Điệp, Phó trưởng Ban Dân vận huyện Bình Liêu, cho biết: Với trên 96% dân số là đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Theo đó, hệ thống dân vận các cấp trong huyện đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng tổ chức hội nghị quán triệt về công tác dân vận, đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vân của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Công tác dân vận tập trung vào các nội dung xóa bỏ tập quán lạc hậu, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế thoát nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, an ninh trật tự... thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như băng rôn, loa truyền thanh, trang fanpage DCCI Bình Liêu, thuê bao điện thoại di động, các điển hình tiên tiến...
Bám sát các nhiệm vụ trong công tác dân vận, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện cũng triển khai hiệu quả các phong trào thi đua gắn với đặc thù, nhiệm vụ của tổ chức để thu hút hội viên, đoàn viên tham gia. Tiêu biểu như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ; “Thắp sáng đường quê” của Hội cựu chiến binh; “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” của Đoàn thanh niên...
Anh Lã Đình Khiêm, thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Với sự vận động, định hướng, giúp đỡ của Đoàn Thanh niên huyện, tôi bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi gần 1.000 con gà từ đầu năm 2018. Trong quá trình phát triển mô hình, tôi được cán bộ Đoàn quan tâm, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn... Gia đình tôi cố gắng phấn đấu duy trì hiệu quả mô hình tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo trong năm nay.
Đặc biệt, từ đầu năm 2018, Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế quốc phòng 327), Ban Tuyên giáo, Phòng GĐ&ĐT huyện và UBND xã Lục Hồn đã ký kết chương trình phối hợp làm công tác dân vận định kỳ giúp đỡ 2 bản Khe O và Cao Thắng của xã Lục Hồn. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức được 2 đợt thực hiện các phần việc, như: Tuyên truyền, vận động nhân dân bản Khe O di chuyển chuồng trâu ra xa nhà ở; thực hiện dọn vệ sinh môi trường, nơi ở, phòng, chống dịch bệnh; bê tông hóa một số tuyến đường giao thông; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho các hộ dân khó khăn... Chương trình đã huy động được sự vào cuộc đông đảo, mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia. Việc dồn lực giúp đỡ từng địa bàn khó khăn đang là cách làm hiệu quả mà Bình Liêu triển khai. Qua đó, nhằm làm thay đổi nhận thức của bà con ở các thôn, bản khó khăn không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà tự giác vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa, văn minh.
Cùng với đó, việc triển khai bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại 8/8 xã, thị trấn theo Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020” đã tạo bước chuyển biến trong công tác xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ là người DTTS. Hằng năm, huyện cũng quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên. Trong 3 năm qua, huyện đã mở được 17 lớp tập huấn cho gần 1.700 người tham gia. Từ đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong vận động nhân dân tin tưởng, đồng thuận, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò hạt nhân kết nối cộng đồng, đoàn kết nhân dân tham gia tích cực các mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.
Bằng những cách làm cụ thể, thiết thực, công tác dân vận trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bình Liêu đã và đang được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Dung/Báo Quảng Ninh điện tử