Thứ Sáu, 24/1/2025
Vai trò người uy tín ở Đức Lương

 Bằng uy tín của mình, ông Hoàng Như Hiển, người uy tín ở xóm Chùa Chinh, xã Đức Lương
đã cùng với Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm vận động người dân đóng góp
xây dựng 300m đường bê tông đầu tiên của xóm.

Có dịp trở lại xã Đức Lương (Đại Từ, Thái Nguyên) sau đợt mưa lớn kéo dài, chúng tôi cảm thấy bất ngờ trước sự đổi thay của bộ mặt nông thôn nơi đây. Những tuyến đường lầy lội, những lối đi um tùm cỏ dại ngày nào giờ đã dần được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp. Ở phía Tây của xã, tuyến đường liên xã Đức Lương - Phú Cường đã được cải tạo, nâng cấp giúp các phương tiện giao thông đi lại dễ dàng.

Chỉ cho chúng tôi tuyến đường liên xã rộng, đẹp mới hoàn thành, anh Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Lương tự hào, nói: Phần của xã Đức Lương chỉ dài 2,9km nhưng đã có đến 62 hộ dân tự nguyện hiến gần 11.500m2 đất ruộng, đất rừng và cả đất thổ cư. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín ở các xóm có tuyến đường đi qua.

Ông Hoàng Xuân Đông, người uy tín ở xóm Mon Đình, cho hay: Ngay sau khi được phổ biến phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường, tôi tranh thủ đến từng nhà dân vận động, giải thích cặn kẽ mặt được của việc hiến đất mở đường. Còn ông Nông Văn Thanh, người có uy tín ở xóm Thống Nhất, cho biết: Không chỉ tuyến đường này mà trước khi triển khai bất cứ việc gì tôi đều kết hợp với Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm tổ chức họp bàn, thống nhất cách làm. Con đường nào cần mở rộng hay công trình nào cần xây dựng đều do người dân tự quyết, một khi đã đồng thuận thì người dân sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, làm đến nơi đến chốn.

Ông Hoàng Như Hiển, người uy tín ở xóm Chùa Chinh đã chủ động xin đi học các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để về phổ biến lại cho đồng bào. Hàng ngày, ông Hiển đến Bưu điện xã nhận báo Dân tộc và Phát triển, báo Thái Nguyên, tìm đọc những mô hình kinh tế hiệu qủa ở các địa phương có điều kiện tương tự như Đức Lương để phổ biến cho đồng bào. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân từng bước được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm xuống còn 11 hộ (năm 2015 là 23 hộ). Ông Hiển bộc bạch: Để đồng bào dân tộc thiểu số tin và làm theo, những chính sách, mô hình phải được triển khai cụ thể, thiết thực và kịp thời giải quyết những bức xúc ngay khi mới phát sinh.

Bà Lý Thị Dung, người dân tộc Tày, ở xóm Chùa Chinh, cho hay: Từ khi được xóm vận động chuyển từ trồng chè trung du sang chè cành, tôi thấy năng suất tăng lên rõ rệt; thời gian thu hoạch giảm đến 10 ngày/lứa. Tôi còn được hướng dẫn trồng cây muồng để lấy bóng mát cho chè, lắp đặt hệ thống dẫn nước và tưới tự động. Công việc nhà nông giảm được sức lao động mà năng suất vẫn cao.

Xác định được yếu tố quan trọng để triển khai các chủ trương, chính sách thành công là nhờ có sự thống nhất trong nội bộ, thời gian qua, xã Đức Lương đã tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, 13 người uy tín trong xã có vai trò, vị thế quan trọng trong cộng đồng dân cư. Người uy tín đã có những đóng góp tích cực trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi…, cùng vươn lên phát triển kinh tế.

Nhờ phát huy tốt vai trò của người uy tín và huy động được sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhân dân, những năm qua, số hộ nghèo trong xã giảm từ 232 hộ (chiếm 23%) năm 2015, xuống còn 142 hộ (chiếm 17,38%) năm 2017. Trong 2 năm 2017 và 2018, nhờ có nguồn đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, xã đã hoàn thành được hơn 4km đường bê tông nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, góp phần đưa Đức Lương rời khỏi “tốp cuối” về phát triển kinh tế của huyện Đại Từ./.

Nguồn: baothainguyen.org.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi