Thứ Sáu, 19/4/2024
Lâm Đồng tập trung nguồn lực cho giảm nghèo bền vững

 Mô hình trồng chuối xuất khẩu ở Lâm Đồng
góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cao tại địa phương

Trong năm 2020, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 4,8%. Huyện Đam Rông sẽ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo để cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Ngay từ đầu năm, từ các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo. Địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ cung cấp giống cây trồng vật nuôi. Các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Các huyện, thành phố cân đối nguồn lực mở rộng địa bàn, hộ nghèo được hỗ trợ sản xuất, việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề.... để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo

Chỉ tính riêng  Đam Rông - huyện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, mặc dù là năm khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 và nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 mới được phân bổ nhưng địa phương đã tích cực triển khai thực hiện từ đầu năm.

Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông phụ trách về công tác giảm nghèo của địa phương cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện Đam Rông đã tích cực triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo chỉ đạo của cấp trên. Hiện đã có 8/8 xã tổ chức tuyên truyền, vận động cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Theo đó, từ sự vận động và ý thức tự giác của người dân, toàn huyện đã có 468 hộ đăng ký thoát nghèo (chiếm 28,17% trên tổng số hộ nghèo năm 2020). Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục vận động người dân để làm căn cứ đầu tư hỗ trợ các chương trình giảm nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn khoảng 7%.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Đam Rông đã tập trung nguồn vốn vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả sớm hoàn thành phương án đầu tư trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tín dụng ưu đãi, đặc biệt là các nguồn vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, cho vay học sinh, sinh viên... tạo điều kiện cho bà con nhân dân có thêm nguồn lực để làm ăn, sản xuất, học tập, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tính đến thời điểm này, công tác giảm nghèo của Lâm Đồng đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Song bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung các nguồn lực cho Chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực tế, một vài địa phương vẫn có nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo còn cao; tỷ lệ tái nghèo ở một số vùng khó khăn gia tăng. Nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay để người dân phát triển sản xuất, đem lại thu nhập kinh tế gia đình ổn định. Đặc biệt, tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa phương sinh sống, phá rừng làm rẫy trái phép trong rừng sâu, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo

Việt Lâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất