Thứ Năm, 19/12/2024
Lào Cai: Bước chuyển mới trong chính sách giảm nghèo

Nghị quyết 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “giảm nghèo bền vững đối với những xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030” được ban hành là giải pháp căn cơ để xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương) “tấn công” vào “lõi nghèo”. Thay vì hỗ trợ theo yêu cầu của người dân, xã họp và lấy ý kiến, tham vấn cho người dân đưa các cây mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ canh tác và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất. Từ chỗ sợ thất bại, người nghèo xã Nậm Chảy đã đột phá từ cách nghĩ đến cách làm; mạnh dạn đưa cây chuối mô, cây sa nhân vào trồng mặc dù vốn đầu tư lớn và chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Đối với vốn đầu tư cây giống, phân bón, xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tư vấn, hướng dẫn người nghèo làm thủ tục vay vốn tín dụng chính sách. Những hộ chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, xã đề nghị các hộ trồng từ trước hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật.


 Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai thăm mô hình sản xuất giỏi tại xã Cốc San (thành phố Lào Cai)

Anh Giàng Phừ ở thôn Gia Khâu A cho biết: Gia đình tôi được các hộ trồng chuối trước đó hỗ trợ, chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối mô. Nhờ đó, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ cây trồng này và đã thoát nghèo, phấn đấu trở thành hộ giàu.

Chỉ trong vài năm, xã Nậm Chảy đã trồng được 336 ha chuối mô, 350 ha sa nhân với nguồn thu hơn 90 tỷ đồng. Không chỉ anh Giàng Phừ mà nhiều người nghèo ở Nậm Chảy đã có nguồn thu cao từ cây chuối mô và sa nhân. Xã Nậm Chảy hiện có 202 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 5 hộ: Lùng Chẩn Lèng, Sần Chẩn Thắng (thôn Lùng Phình A), Thào Seo Páo, Thào Seo Hòa, Lù Thị Hoa (thôn Sấn Pản) có thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm từ trồng chuối, sa nhân, cam và làm dịch vụ. Điều đáng nói là tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 40,92% (năm 2018) giảm còn 26,14% (năm 2019).

Cũng như Nậm Chảy, nhiều năm qua, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) “đau đầu” tìm lời giải cho “bài toán” giảm nghèo. Theo chuẩn nghèo áp dụng đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới hơn 74% (năm 2016). Đảng ủy, UBND xã đã họp nhiều lần, tìm hiểu cặn kẽ thực tế và thấy được nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao là do thiếu vốn sản xuất (61,6% số hộ), không biết cách phát triển kinh tế (30,3% số hộ), thiếu đất canh tác (4,36% số hộ), còn lại là do hộ đông người nhưng thiếu lao động. Trong lúc loay hoay tìm giải pháp thì Nghị quyết số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giúp cấp ủy đảng, chính quyền xã Cốc Ly thấy được từng bước đi, cách làm phù hợp.

Bí thư Đảng ủy xã Cốc Ly - Nguyễn Tiến Hồng cho biết: Vấn đề mấu chốt là tăng thu nhập cho người dân nhưng không phải cứ mang cây giống, con giống “nhét” vào tay người dân là có thu nhập. Vì vậy, phải tìm hiểu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân và định hướng cho họ hướng phát triển kinh tế. 3 cây, con chủ lực được người dân lựa chọn đưa vào sản xuất là quế, cá lồng và gia súc. Đến nay, xã có 174 lồng cá nuôi trên hồ thủy điện Bắc Hà, 2.000 con trâu và 1.000 ha quế. Cả 3 cây, con chủ lực đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh (năm 2020 dự kiến còn 34,3%). Đặc biệt, các thôn nghèo như Thẩm Phúc, Lùng Xa, Nậm Hán, Cốc Ly Thượng đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đó chỉ là 2 trong nhiều minh chứng sống động cho việc đưa Nghị quyết số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai vào cuộc sống. Trong đó nổi bật là 2 nghị quyết “tấn công” vào huyện nghèo nhất và 43 xã nghèo nhất - đây được xác định là “lõi nghèo” của tỉnh. Đó là Nghị quyết 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020 với nhiều giải pháp trọng tâm, kế đến là cơ chế hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm để tập trung chăn nuôi đại gia súc, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng thu nhập cho người dân; từ huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo 57,01%, đến nay giảm còn 11%. Đặc biệt, nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ thụ hưởng chính sách hỗ trợ “cho không” chuyển sang hỗ trợ “cho vay” thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ thành công của Nghị quyết giảm nghèo huyện Si Ma Cai, Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục ban hành Nghị quyết 20-NQ/TU. Mục tiêu của Nghị quyết số 20 là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo.

Để đạt được mục tiêu này, nghị quyết đã đề ra các giải pháp căn cơ về đội ngũ cán bộ; mô hình tổ nhóm liên kết phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm ổn định cho hộ dân, với nguồn lực cụ thể được cân đối ổn định từng năm, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để “tấn công phá bỏ lõi nghèo”, phấn đấu đến năm 2030, các xã nghèo trở thành xã trung bình của tỉnh. Đặc biệt, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22, HĐND tỉnh đã đưa vào nghị quyết ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên với lãi suất ưu đãi để cho vay, giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Điều này được đánh giá là bước đột phá về tư duy chính sách giảm nghèo của Lào Cai, như khẳng định của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam: Đó là cách làm hay, sáng tạo của Lào Cai trong việc sử dụng nguồn vốn ủy thác tại địa phương. Đây có thể nói là một chính sách có tính đột phá của tỉnh trong điều kiện nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm cao của tỉnh đối với công tác giảm nghèo và tín dụng chính sách.

Sau 2 năm (2018 - 2019) thực hiện Nghị quyết số 20, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã còn 32,69%, tương ứng 8.397 hộ nghèo, còn 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 40% là Tả Gia Khâu (Mường Khương) với 44,4%; Nậm Chày (Văn Bàn) với 43,6%. Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã còn dưới 27%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác giảm nghèo sẽ có nhiều thách thức vì toàn tỉnh còn hơn 50 xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 20%, cá biệt còn 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%. Hơn nữa, giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn đánh giá hộ nghèo đang được Chính phủ xem xét thông qua theo hướng điều chỉnh tăng gần gấp đôi (khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị tăng từ 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng). Điều này đồng nghĩa với số hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng. Dự báo tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh cuối năm 2020 là khoảng 30% với gần 50.000 hộ nghèo, hơn 15.000 hộ cận nghèo. Do vậy, đổi mới và tạo đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo tập trung vào “lõi nghèo” để giảm nghèo bền vững như kinh nghiệm đã thực hiện ở nhiệm kỳ vừa qua là yếu tố quyết định với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất