|
Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội
|
Diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi toàn diện
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên xây dựng nhân lực, vật lực của các cấp. Kết quả xây dựng nông thôn mới đã khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân. Hiện nay, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi toàn diện cả về cơ sở hạ tầng và hạ tầng xã hội, phục vụ đời sống nông dân theo hướng hiện đại, gắn với phát triển đô thị.
Để tiếp tục đưa ra các nội dung trọng tâm xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 cả nước ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; phấn đấu ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh có ít nhất hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh công nhận.
Theo dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tiêu chí quốc gia và quy trình xét công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chỉ áp dụng cho xã, huyện. Đối với cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với ý kiến của các bộ, ngành đề nghị trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương chưa xây dựng bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới mà chỉ quy định điều kiện xét, công nhận “tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn”.
Bộ tiêu chí cần quan tâm đến tính đặc thù của từng vùng miền
Thảo luận về dự thảo bộ tiêu chí, các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân luôn yêu cầu phải công khai, minh bạch trong các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nhiều ý kiến cũng thống nhất với kiến nghị về hạn chế tối đa tình trạng "chạy đua" xây dựng hạ tầng nông thôn mới sau đó nợ đọng kinh phí xây dựng cơ bản. Đối với các tiêu chí lạc hậu, không phù hợp trong quá trình thực hiện, cần loại bỏ kịp thời để bổ sung các tiêu chí mới, phù hợp với giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cần quan tâm đến tính đặc thù của từng vùng miền vì mỗi địa phương đều có bản sắc riêng, nếu áp dụng đồng bộ sẽ không phù hợp vì sự khác nhau trong quy hoạch của từng xã, từng khu vực, vùng miền.
|
Quang cảnh hội nghị
|
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia, vì đây là quá trình đáp ứng quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Túc cho rằng, cần tính toán để phân bổ các nguồn kinh phí hợp lý, nhất là kinh phí cho việc xây dựng hạ tầng, không để lãng phí; đồng thời, cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn bởi đây là "gốc" để giải quyết nhiều vấn đề.
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng tiêu chuẩn nông thôn mới phải có doanh nghiệp, vì không có lực lượng này thì không thể đưa nông thôn phát triển. Ngoài ra, cần có tiêu chí về các câu lạc bộ liên quan đến sáng kiến, cải tiến cho nông nghiệp, nông thôn... Nên đặt ra tỷ lệ 30% - 40% phải là tiêu chí mới, không phải là những tiêu chí lâu nay nông thôn mới đã có, các tiêu chí mới cần thực chất để trở thành động lực cho nông thôn phát triển trong giai đoạn mới, chẳng hạn như tiêu chí nông thôn thông minh. “Nếu ứng dựng tốt công nghệ thông tin thì rất có lợi cho nông thôn, nhất là trong phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản, đã có những trường hợp nhờ thương mại điện tử mà phát triển tiêu thụ nông sản rất tốt”, ông Trần Đình Thiên bày tỏ.
Góp ý dự thảo, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, phải tôn trọng sự đa dạng của nông thôn, không nên áp dụng chung một tiêu chuẩn cho nông thôn cả nước. Mục tiêu là xây dựng các xã nông thôn mới sạch đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm, để nông thôn là nơi mà ai cũng muốn trở về, muốn đến.
Nhấn mạnh việc xây dựng tiêu chí nông thôn mới phải xuất phát từ thực tiễn địa bàn dân cư nông thôn để bảo đảm tính thực chất, không hình thức, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện nay, nông thôn, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, Nhà nước vẫn phải đầu tư là chính; phải bảo đảm đầu tư đường, trường, trạm; bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhiều nông dân hiến đất để làm trường, làm đường, do đó, nông dân phải là người được thụ hưởng trong quá trình này.
Khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, cổ vũ, động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự chủ động trong công tác tổng hợp, tham mưu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về dự thảo các Bộ tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung mới, có tính thiết thực, phù hợp với thực tiễn.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đây là sự kết hợp định hướng của Trung ương với tính chủ động của mỗi địa phương trong việc xác định từng nội dung trong mỗi chỉ tiêu. Hệ thống biểu mẫu trong hồ sơ công nhận và hồ sơ xét, thu hồi được xây dựng chi tiết, công phu, phù hợp với các bước trong quy trình, có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể với sự lượng hóa bằng các chỉ số đo đếm được, nhằm tạo cơ sở đánh giá thực chất, khách quan các tiêu chí trong quá trình thực hiện.
Tiếp thu các góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến phản biện và đề xuất các giải pháp của các đại biểu sẽ là những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giúp cho Mặt trận và các cơ quan Trung ương cũng như mỗi địa phương có những giải pháp mới trong quá trình thực hiện.
Với vai trò là cơ quan chủ trì phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp, phản ánh đầy đủ ý kiến của các đại biểu đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đi vào cuộc sống, đảm bảo chất lượng, bền vững, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, là niềm tự hào của nông dân Việt Nam./.
Minh Hạnh