Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện.
Huy động cả hệ thống chính trị và vận động người dân tích cực tham gia
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện chương trình, các bộ, ngành Trung ương đã tham mưu trình Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP cấp tỉnh. Tổ chức, bộ máy triển khai Chương trình ở địa phương từng bước được xây dựng, kiện toàn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành có liên quan. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng sản phẩm OCOP… Đến hết năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức đào tạo tập huấn cho trên 8.000 lượt cán bộ quản lý cấp Trung ương, tỉnh. Các địa phương đã tổ chức tập huấn cho gần 29.138 lượt cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã và trên 38.704 lượt chủ thể là doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế…
Công tác tuyên truyền về OCOP được Bộ Nông nghiệp và PTNT chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn kết và lồng ghép với hoạt động truyền thông trong xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử và mạng xã hội... Nhiều cơ quan báo chí đã mở chuyên đề, chuyên mục riêng về OCOP; đã có trên 13.936 tin, bài, phóng sự, chuyên đề về OCOP. Nhiều diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu, sáng tác ảnh, câu chuyện sản phẩm OCOP được tổ chức. Nhiều câu lạc bộ, hội doanh nhân, hội quán về OCOP đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và các tổ chức kinh tế đến Chương trình.
Đến nay, đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, với 4.469/6.210 (72%) sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra. Trong số 2.439 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, thì 38,3% là hợp tác xã, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.
Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp tổ chức 01 Hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia. Bộ Công Thương đã đưa sản phẩm OCOP vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển mạng lưới Điểm bán hàng OCOP và tổ chức nhiều hội chợ kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP... Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm; 354 chủ thể OCOP có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị trên cả nước. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP.
Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi
Giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP. Trong đó: Ngân sách Trung ương 1,8%, ngân sách địa phương là 0,9%, vốn tín dụng 76,6%, vốn lồng ghép 3,9%... Đặc biệt, nguồn vốn của các chủ thể tham gia triển khai chương trình chiếm 16,5%.
Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long... Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê trên cả nước, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%), đặc biệt là ở khu vực miền núi như: Bắc Trung Bộ với 50,6%, Tây Nguyên là 45,2% và miền núi phía Bắc là 43,4%.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu phát triển và hội nhập của thị trường Việt Nam với quốc tế. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20% - 40%.
Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy hàng nghìn làng nghề truyền thống, cùng các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và tiếp tục được triển khai, nhân rộng ở nhiều địa phương.
Chương trình mang tính dài hạn
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức tại Hà Nội ngày 23/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ghi nhận những kết quả tiêu biểu của chương trình OCOP, đặc biệt đã góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, sức lan tỏa sâu rộng của Chương trình OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế từ những sản vật, làng nghề truyền thống của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Bên cạnh những địa phương đi đầu, đầu tư có chiều sâu như Quảng Ninh, Hà Nội… thì những địa phương tích cực triển khai và triển khai hiệu quả Chương trình OCOP đều nằm ở khu vực “3 Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Điều này cho thấy sự phù hợp của Chương trình OCOP trong phát triển sản xuất nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động ở các địa phương vùng sâu, vùng cao. Đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới ở những khu vực khó khăn nhất trên cả nước…
Cùng với việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (đang được Chính phủ chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt trong thời gian tới), OCOP được các bộ, ngành chức năng tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội, xác định là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, mang tính dài hạn, được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo đó, mục tiêu dự kiến của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là: Góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Thành Phan