|
Cửa ngõ huyện nông thôn mới Càng Long, tỉnh Trà Vinh
|
Tỉnh Trà Vinh có 85 xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến quý I/2022, toàn tỉnh có 618/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp NTM, đạt 96,41% (trong đó có 22 ấp NTM kiểu mẫu). Toàn tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh phấn đấu về đích NTM trước năm 2025, trong đó lộ trình đối với 03 huyện còn lại đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2022, năm 2023 công nhận huyện Trà Cú là huyện NTM.
Căn cứ kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 (Nghị định số 07/2021/NĐ-CP), toàn tỉnh có 10.207 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56%; hộ cận nghèo là 17.215 hộ, chiếm tỷ lệ 6%. Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững bằng nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 03/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Trong xây dựng NTM, hệ thống chính trị các cấp vận dụng công tác dân vận và “Dân vận khéo” làm phương thức chủ yếu để triển khai, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” gắn với quy trình dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi đảng bộ tích cực quán triệt và ra nghị quyết lãnh đạo; phân công cán bộ, đảng viên đến họp và quán triệt cho nhân dân tại ấp; tổ chức thảo luận, nghiên cứu kỹ chương trình và các biện pháp tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt cho đoàn viên, hội viên, xác định trách nhiệm cho đoàn viên, hội viên và ra nghị quyết để tham gia chương trình; chọn nội dung tham gia cho phù hợp. Tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng đề án, tham gia xây dựng quy hoạch, trong đó các đề án xây dựng NTM tại một xã đã thể hiện toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của nhân dân, có việc phải lấy ý kiến của dân nhiều lần, phải trình bày kỹ với dân để dân hiểu và tham gia, sau đó công khai đề án và quy hoạch ở nơi công cộng để dân được biết rõ.
Với những cách làm hiệu quả, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước của nhân dân, góp phần phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó làm động lực để các địa phương xây dựng thành công NTM. Tiêu biểu như huyện Cầu Kè về đích NTM năm 2019 với mô hình “Tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đầu, nhân dân hưởng ứng trong công tác dân vận góp phần về đích huyện NTM”. Trong đó, thông qua vai trò tham mưu của Ban Dân vận trong phát động phong trào thi đua, các cấp ủy đã chỉ đạo tốt việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM; mỗi tổ chức chính trị - xã hội có một phong trào và cuộc vận động hiệu quả.
Trong đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành tăng cường, thường xuyên tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm tiếp tục thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ vào các chính sách của Nhà nước; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; tiếp tục rà soát, nắm chắc danh sách hộ nghèo theo địa chỉ, tổ chức điều tra cập nhật thường xuyên danh sách hộ nghèo theo từng ấp, khóm, hoàn cảnh sống, số người có khả năng lao động, nghề nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, nhu cầu và năng lực của bản thân hộ gia đình để có biện pháp hỗ trợ đạt hiệu quả.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Trà Vinh có 9.585 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên 4 lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong đó có nhiều mô hình trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” và sự vào cuộc của toàn xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2020 đạt 96,65%. Tỉnh đã xây dựng 2.856 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; thăm tặng quà cho 253.296 hộ nghèo, cận nghèo nhân các dịp lễ tết; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 30.608 lượt người nghèo, tặng 13.491 phần quà học bổng cho học sinh nghèo; giúp đỡ vốn phát triển sản xuất cho trên 150 hộ nghèo. 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú, đến nay toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc chính sách. Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ, trong đó hỗ trợ cho 04 nhóm (148.081 đối tượng) là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 141.810 triệu đồng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động nhân dân giảm nghèo bền vững như: Vận động đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, vận động thành lập khu du lịch sinh thái cộng đồng, dạy nghề giải quyết việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn, vận động hội viên phát triển kinh tế bền vững từ con giống, chăm lo đời sống cho người già neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát huy dân chủ ở cơ sở thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững…
Với vai trò tham mưu Tỉnh ủy về công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy đúc kết một số kinh nghiệm thực tiễn sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên đối với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí NTM gắn với giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, vận dụng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền, thường xuyên, sâu rộng, thiết thực trong mọi tầng lớp nhân dân, phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng trong quá trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững tại địa bàn. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm để đoàn viên, hội viên và nhân dân tự giác tham gia, sáng tạo trong tổ chức thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ ba, mỗi ngành, đơn vị, xã phải có sự chủ động trong việc ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên, có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, từ đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, theo chúng tôi, cả hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung triển khai, thực hiện đi vào chiều sâu các nhiệm vụ, giải pháp đề ra sau tổng kết 09 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, nhất là tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ vào các chính sách của Nhà nước; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; ngăn ngừa tín dụng đen và các thủ đoạn mua bán người lao động.
Hai là, tăng cường đổi mới, đề cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững. Xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, hiệu quả gắn với đẩy mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ chi, tổ hội.
Ba là, vận dụng các phương thức “Dân vận khéo” trong vận động, thuyết phục người lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề, tập trung giải quyết việc làm tại các xã đặc biệt khó khăn, tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các hội thảo, phiên giao dịch giới thiệu việc làm, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng…
Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, góp phần đưa tỉnh Trà Vinh về đích xây dựng NTM trước năm 2025./.
Kim Rương
UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh