Nhờ
thực hiện có hiệu quả phong trào “dân vận khéo” nên đời sống người dân
huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng đổi thay, nhiều công
trình giao thông nông thôn được xây dựng, tạo điều kiện cho người dân đi
lại thuận lợi và phát triển kinh tế.
|
Con đường trải nhựa khang trang qua thôn Tân Phú (xã Bàu Chinh) hoàn thành
và đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
|
GIÚP VỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Chị Phạm Thị Luyện (thôn Việt Cường) được người dân địa phương yêu mến, quý trọng và thường gọi với cái tên thân thương “chị Bé Em”. Chia sẻ về cơ duyên đến với các hoạt động thiện nguyện, chị Bé Em cho biết, gia đình chị mở cửa hàng tạp hóa. Nhận thấy nhiều hộ trong thôn gắn bó với chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, chị chuyển sang kinh doanh gạo, cám và thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng, dịch bệnh khiến đàn gia súc của bà con bị chết, nhiều gia đình không còn vốn để tái đàn hoặc nợ nần dẫn đến tái nghèo.
Chị Bé Em phối hợp với chính quyền địa phương đến từng gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng của họ, từ đó hỗ trợ xây lại chuồng trại, hỗ trợ con giống, vốn và thức ăn chăn nuôi không tính lãi. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn tái đàn, phát triển kinh tế. Chị Bé Em vui vẻ cho biết: “Giúp người khác là giúp chính bản thân mình nên khi thấy những người khó khăn vui mừng thu hoạch thành quả và có cuộc sống tốt hơn, tôi cũng vui lây. Tôi mong giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời khó khăn khác”.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (xã Xà Bang) phát triển kinh tế với mô hình nuôi vịt và heo. Lúc cao điểm, chuồng nuôi của gia đình chị có 25 con heo nái và 200 con heo thịt. Thế nhưng, năm 2019, dịch tả heo Châu Phi khiến đàn heo của gia đình chị chết sạch. Trong lúc tuyệt vọng vì mất vốn và số tiền nợ ngân hàng đến lúc phải trả, chị Ngọc được chị Bé Em hỗ trợ 100 con heo giống (giá trị 900 ngàn đồng/con) và thức ăn chăn nuôi.
“Nhờ số heo giống do chị Bé Em hỗ trợ, tôi đã có điều kiện vực dậy kinh tế gia đình. Hiện nay, mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa heo, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Tôi còn đầu tư chuồng lưới nuôi thêm 5.000 vịt siêu nạc và hơn 2.000 con gà ta. Gia đình tôi đã sửa chữa căn nhà khang trang hơn”, chị Bích Ngọc chia sẻ.
CÙNG HIẾN ĐẤT LÀM ĐƯỜNG
Về xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, người dân địa phương nhắc tới gia đình cựu chiến binh Phạm Quốc Minh và vợ là bà Phạm Thị Điệp bằng thái độ nể phục khi gia đình ông đã hiến gần 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn; đồng thời vận động nhân dân cùng nhau hiến đất làm đường.
Cuối năm 2018, Đảng bộ, chính quyền xã Bàu Chinh chủ trương xây dựng mới đường nông thôn ở tổ 32, thôn Tân Phú - là nơi đi lại thường xuyên của khoảng 20 hộ dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới, đoạn đường này trở thành một phần trong tuyến giao thông liên xã dài hơn 2km, đoạn nối ngang giữa đường Huyện Đỏ, TT. Ngãi Giao với đường Đông Tây, xã Bàu Chinh.
Hưởng ứng chủ trương xây dựng con đường trên, gia đình ông Minh hiến gần 1.000m2 trong tổng diện tích khoảng 8.000m2 đất làm nhà ở và trồng tiêu, cà phê của mình. Ông cũng chặt bỏ hơn 100 trụ tiêu để giao đất làm đường. Nhận thấy đoạn đường qua nhà đã thông suốt, nhưng không thẳng do vướng nhà mình, ông lại vận động vợ và con tháo dỡ gian nhà trước có diện tích 60m2 và hiến thêm đất để con đường được nắn thẳng, tiện lợi cho việc đi lại sau này. Con đường thi công từ cuối năm 2019, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Mặt đường được mở rộng từ 1-2,5m thành 7m, trải nhựa.
Vợ chồng ông phấn khởi nói: “Ngày con đường hoàn thành, bà con vui lắm. Xe ô tô đi vào tận ngõ, bà con chở nông sản thuận lợi, con cháu đi học không còn lo sình lầy, té ngã. Bà con phấn khởi cùng nhau trồng hoa hai bên khiến con đường càng thêm đẹp”.
Ngoài việc vận động người dân hiến đất làm đường, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Bàu Chinh, ông Minh còn tích cực vận động hội viên cùng nhau tham gia các phong trào như: CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; CLB giúp nhau làm kinh tế; mô hình Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, an ninh...
Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức cho biết, phong trào “dân vận khéo” được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. “Cấp ủy, chính quyền và MTTQ cần tiếp tục hướng về cơ sở để lắng nghe, phản hồi, đối thoại, đóng góp ý kiến, sáng kiến từ nhân dân để từ đó xây dựng những mô hình phù hợp, sát thực tế, gắn với quyền và lợi ích người dân”, đồng chí Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.
(baobariavungtau.com.vn)