Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã có những bước chuyển biến mới hiệu quả hơn với sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, để công cuộc xây dựng huyện NTM thực chất, đáng sống thì địa phương này phải tiếp tục nỗ lực từng ngày.
Vượt khó xây dựng NTM
Khánh Sơn là huyện miền núi nghèo của tỉnh Khánh Hòa, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ… Do đó địa phương còn nhiều khó khăn trong huy động đóng góp từ nhân dân và doanh nghiệp vào xây dựng NTM. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế so với nhu cầu, nhất là trong đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương cũng gặp một số khó khăn do sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, tình hình thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả vật tư, nông sản luôn biến động, thị trường tiêu thụ còn khó khăn…
|
Những vườn cây sầu riêng đem lại lợi nhuận kinh tế cao
cho người dân tại xã Sơn Bình (Khánh Sơn, Khánh Hòa)
|
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, mặc dù còn nhiều khó khăn là vậy, nhưng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Lãnh đạo huyện Khánh Sơn đã thống nhất quyết tâm chính trị, triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ tại các cơ sở, xã, làng ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai để nhân dân biết, được bàn, được quyết định, được giám sát. Nhiều nội dung lấy ý kiến của nhân dân nhiều lần, trao đổi kỹ để nhân dân hiểu, nhân dân được giám; việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến tiến độ xây dựng NTM, nên UBND huyện đã chủ động ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các nghành đã triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vân động xây dựng NTM bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép với các phong trào do các tổ chức hội phát động thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Nhờ đó, nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng NTM đã chuyển biến rõ rệt, người dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM bằng nhiều cách làm sáng tạo, do đó xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện. Kết quả thực hiện bộ tiêu chí đến năm 2021, trong số 7 xã xây dựng NTM tại Khánh Sơn, xã Sơn Bình đã đạt 15/19 tiêu chí; xã Sơn Hiệp đạt 14 tiêu chí; xã Sơn Lâm đạt 13 tiêu chí; các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Thành Sơn đạt 12 tiêu chí và xã Sơn Trung đạt 11 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2025, xã Sơn Bình đạt 19/19 tiêu chí; xã Sơn Hiệp đạt 17 tiêu chí; các xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc đạt 16 tiêu chí; các xã: Sơn Trung, Ba Cụm Nam đạt 15 tiêu chí. Bước sang giai đoạn 2021-2025, huyện đang phấn đấu để đưa xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2025, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Đưa Sơn Bình vươn lên
Về Khánh Sơn trong những ngày này, điều dễ nhận thấy trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở đây là nhiều tuyến đường, cầu tràn vào khu sản xuất trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển lưu thông hàng hóa. Hệ thống nước sinh hoạt phục vụ người dân, kênh mương và công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; cơ sở trường học, y tế được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt; công tác bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được nâng lên.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình đã được triển khai kịp thời, sâu rộng; các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã có hiệu quả. Qua đó, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng NTM. Huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để đưa xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2025 (hiện nay đã đạt 15/19 tiêu chí), các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 hơn 200 tỷ đồng.
Huyện tập trung đầu tư cho xã Sơn Bình hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM, địa phương sẽ rà soát để vận động xã hội hóa, ưu tiên nguồn lực để xóa nhà tạm, từng bước nâng tỷ lệ nhà ở nông thôn đạt chuẩn. Đối với tiêu chí về thu nhập, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác... Đối với tiêu chí về hộ nghèo, sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng NTM để thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã. Đối với tiêu chí về y tế, tập trung kêu gọi các tổ chức, cá nhân và các nguồn lực khác để phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, cải thiện bữa ăn cho bà mẹ, trẻ em, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, huyện Khánh Sơn đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình này; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí cần ít vốn. Địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng NTM; tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình... Bên cạnh đó, huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, giá trị nông sản; đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp…/.
Sơn Nguyên