Thứ Hai, 18/11/2024
Sơn Hà (Quảng Ngãi): Dân vận khéo giúp dân thoát nghèo
Vận động nhân dân nuôi bò phát triển kinh tế

Về Sơn Hà những ngày này, đi từ trung tâm huyện đến các thôn vùng sâu, vùng xa của huyện chúng tôi đã cảm nhận được sức sống mới đang hiện hữu ở đây. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Các mô hình kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp triển khai ngày càng nhiều. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Thành quả này có sự đóng góp tích cực của những người làm công tác dân vận ở huyện Sơn Hà. Họ đã vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức, cách làm, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều mô hình như trồng cỏ, nuôi bò lai, trồng ớt xiêm, nuôi gà re, trồng keo và trồng cây gỗ lớn...  đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đinh Ven, ở thôn Làng Trá, xã Sơn Cao cho biết: "Trước đây khi chưa trồng cỏ voi, ngày nào vợ chồng tôi cũng đi cắt cỏ khá vất vả mà không đủ cho 4 con trâu ăn. Từ khi cán bộ xã hướng dẫn, mình trồng hai đám cỏ voi, đỡ phải đi cắt cỏ ngoài đồng xa. Giờ chỉ mất ít phút ra vườn là cắt đủ cỏ cho trâu ăn".

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Cao Đinh Ban cho hay: Trước đây người dân trong xã nuôi trâu, bò thường thả rông, nên hiệu quả không cao, nhiều trâu, bò bị ốm chết... Trước thực trạng này, đảng ủy xã đã chỉ đạo mặt trận, các hội, đoàn thể  tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn, ven sông, suối hoặc những thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ. Nhờ kiên trì vận động, qua một thời gian người dân thấy việc trồng cỏ nuôi trâu, bò hiệu quả, nên ai cũng phấn khởi học hỏi cách trồng, rồi nhân rộng mô hình. Hiện toàn xã có 1.050 con trâu và 1.311 con bò, trong đó có 355 con bò lai”, ông Ban cho biết thêm.

Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sơn Hà Võ Thành Tâm, cho rằng: Để người dân noi theo, những người làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở luôn xác định đây không phải công việc một sớm, một chiều. Những ngày đầu gặp nhiều khó khăn, có những nơi người dân không đồng tình, thế nhưng, nhờ sự phối hợp với các ban, ngành; những người làm công tác dân vận luôn gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm... nên công tác dân vận đã tác động tích cực đến nhận thức, việc làm của người dân. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đã từng bước nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã còn tăng cường vận động nhân dân hiến đất mở đường cũng như đóng góp tiền, công sức thi công các tuyến giao thông, tạo động lực cho kinh tế phát triển...  

“Phong trào Dân vận khéo đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động, khơi dậy sức dân trong các phong trào ở địa phương”, ông Tâm nói.

Thùy Giang


 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi