Nghi Đồng là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; trên địa bàn không có nhà máy, xí nghiệp, không có ngành nghề phụ, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đây còn là địa bàn có đông đồng bào theo đạo Công giáo, có 01 giáo xứ (Xuân Mỹ) và 03 giáo họ (Xuân Mỹ, Xuân La, Xuân Hòa) phân bổ tại 4/9 đơn vị xóm.
Với điều kiện như vậy, khi tiếp thu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền xã Nghi Đồng (Nghi Lộc, Nghệ An) đã có nhiều trăn trở, đồng chí Phạm Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Đồng cho biết: “Vấn đề khó khăn lớn nhất của Nghi Đồng trong xây dựng nông thôn mới là huy động nguồn lực xây dựng các cơ sở hạ tầng, giao thông để đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền xã xác định nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, quyết định là phải làm tốt công tác dân vận tạo được sự đồng thuận trong nhân dân để huy động tối đa các nguồn lực nhưng cũng không tạo áp lực quá nặng lên người dân, làm mất đi mục tiêu, ý nghĩa của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Xác định được điều đó, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tuyên truyên vận động để người dân hiểu và động thuận trong việc đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cán bộ, công chức trực tiếp bám nắm cơ sở; cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tiếp cận với nhân dân để triển khai, tuyên truyền vận động thông qua các kênh khác nhau như: hội nghị xóm, trực tiếp đến từng gia đình nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, phát huy tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ, Đảng viên tại nơi cư trú... Qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân, có những chủ trương, cơ chế tạo điều kiện để nhân dân xây dựng và phát triển các mô hình phát triển sản xuất, mô hình kinh tế nâng thu nhập của người dân để nhân dân có điều kiện để tiếp tục đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Đối với các xóm giáo, cấp ủy, chính quyền trực tiếp làm việc với linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ của giáo xứ, giáo họ để tranh thủ sự ủng hộ, tạo sự thống nhất trong đồng bào có đạo. Trong lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền xã cũng đã phân tích những điều kiện cụ thể của từng xóm để có những giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Tập trung làm điểm tại các xóm khó khăn nhất, qua đó làm đòn bẩy, tạo phong trào thi đua đối với các xóm còn lại.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong 2 năm (2016-2018) Nghi Đồng đã vận động nhân dân hiến trên 1.000m2 đất ruộng, gần 2.500 m2 đât vườn để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng được 3,4 km đường nhựa, bê tông hóa các đường giao thông nông thôn, cấp phối cứng hóa đường nội đồng, xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác, 9/9 xóm xây dựng nhà văn hóa, mua sắm thiết chế khang trang. Đến nay tổng nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới là 25,78 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp trên 8,7 tỷ, ngân sách xã 1,8 tỷ, còn lại nhân dân đóng góp được 15,28 tỷ. Đến nay cơ bản Nghi Đồng đã hoàn thành 18/18 tiêu chí nông thôn mới.
Về Nghi Đồng hôm nay, không còn những con đường đất đỏ bazan nhỏ hẹp đầy bụi vào ngày nắng và lầy lội vào mùa mưa nữa, thay vào đó là những con đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp, các công trình công cộng vững chắc hiện lên giữa những cánh đồng bát ngát...đã tạo cho Nghi Đồng hình ảnh khởi sắc, hiện đại. Đứng trước những thay đổi của Nghi Đồng hôm nay, đồng chí Đậu Thị Loan - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chia sẻ: “có được thành quả hôm nay, là nhờ cấp ủy, chính quyền xác định đúng và làm tốt công tác dân vận. Làm tốt công tác dân vận đã làm cho người dân hiểu, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, thực hiện được phương châm: dân biết - dân bàn - dân quyết định - dân làm - dân giám sát - dân thụ hưởng. Phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới”.
Những kết quả của Nghi Đồng đạt được là điểm sáng để các xã còn lại của huyện Nghi Lộc tiếp tục phấn đấu, hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Và đây cũng là minh chứng để khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đúng như Bác Hồ đã nói: “Dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cùng xong”./.
Minh Đức