Thứ Ba, 19/11/2024
Nỗ lực giảm nghèo

Bản Pa Mu hiện có 87 hộ, 442 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, bà con trong bản chỉ trồng 1 vụ lúa. Vì vậy, đời sống của nhiều hộ dân rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao (chiếm 80,3 % năm 2008).


 Anh Chang A Sình ở bản Pa Mu (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) bán hàng cho khách.

Để giải quyết tình trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Hua Bum đã vào cuộc quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội giúp Nhân dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa các giống lúa mới cho năng suất cao như: hương thơm số 1, bắc thơm 67, giống lúa 838, nghi hương vào thay thế những giống lúa năng suất, chất lượng thấp… Trước đây, do lượng nước không đủ để gieo cấy, người dân trong bản chỉ sản xuất 1 vụ lúa. Từ khi hệ thống thủy lợi hoàn thành, nước tưới tiêu đủ cung cấp cho cánh đồng, bà con đã chuyển sang cấy lúa 2 vụ. Cán bộ xã thường xuyên xuống bản hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo trồng, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó năng suất lúa ngày một tăng, đời sống của Nhân dân ngày một cải thiện và nâng cao. Để giảm thiểu sức lao động, người dân trong bản đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa máy cày, máy bừa thay thế lao động thủ công và sức kéo của trâu, bò. Ngoài sản xuất lúa, để có thêm thu nhập Nhân dân bản Pa Mu còn tích cực trồng thêm ngô, rau màu các loại…

Không chỉ chú trọng phát triển trồng trọt, bà con trong bản còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều hộ đã mở rộng chăn nuôi theo hình thức trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn dắt, có chuồng trại, nuôi tập trung, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Thào A Sơn, gia đình chị Thào Thị Xua… Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, bà con đã trồng thêm cỏ voi, chuối, ngô, sắn… làm thức ăn chăn nuôi.

Anh Lò A Cấu - Trưởng bản Pa Mu cho biết: “Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, đảm bảo thức ăn, phòng chống dịch bệnh, đàn gia súc, gia cầm của bản sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cả bản có gần 400 con gia súc, 1.670 con gia cầm. Kinh tế phát triển, đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm còn 46 %”.

Là một trong những hộ nghèo của bản, nhờ chịu khó lao động sản xuất,  tìm ra hướng đi đúng, đến cuối năm 2017, gia đình anh Chang A Sình đã thoát nghèo. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sình, khi anh đang tất bật bán hàng. Với số tiền được đền bù từ di dân dự án Thủy điện Nậm Nghẹ anh đầu tư mở cửa hàng tạp hóa với rất nhiều những mặt hàng như: bánh kẹo, nước ngọt, mỹ phẩm, đồ khô… Anh Chang A Sình chia sẻ: “Từ số tiền đền bù cùng với số vốn gia đình tích cóp được, gia đình tôi đã đầu tư mở cửa hàng bán tạp hóa. Sau một thời gian kinh doanh, tôi thấy đây là một hướng đi đúng, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Thời gian tới, gia đình tôi đang có ý định mở rộng quy mô cửa hàng. Ngoài ra, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm gà, vịt, ngan. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh định kỳ, đàn vật nuôi của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, kinh tế của gia đình đã khá hơn, có của ăn của để, các con có điều kiện học hành”.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay bản Pa Mu đã mang trên mình diện mạo mới. Những ngôi nhà khang trang, vững chãi mọc lên san sát, những trang trại chăn nuôi với quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều - đó là những minh chứng đáng mừng cho sự ấm no, phát triển của bản Pa Mu hôm nay.

Bích Lan

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi