Với 2/3 diện tích đồi núi, chủ yếu đồi cỏ tranh, để biến khó khăn thành lợi thế, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Ðiện Biên Ðông (Điện Biên) đã nỗ lực giúp đỡ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Vàng Sáy Khua, bản Pú Hồng, xã Pú Hồng là tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đi đầu trong xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, được nhiều hội viên trong và ngoài xã học hỏi kinh nghiệm. Ngoài làm 6.000m2 ruộng nước 2 vụ, trồng trên 2,5ha ngô, nuôi 15 con lợn, hàng trăm con gia cầm các loại; tận dụng đồi cỏ tranh gần nhà ông Khua còn nuôi 50 con trâu, bò sinh sản. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm tốt công tác tiêm phòng; chuồng trại được cải tạo ngăn nắp, sạch sẽ nên đàn gia súc phát triển tốt, không mắc dịch bệnh. Mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường từ 5 - 10 con trâu, bò; hơn 2 tấn lợn thương phẩm cùng hàng trăm con gia cầm. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng.
|
Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức gia trại. |
Ông Vàng Sáy Khua, cho biết: Qua sinh hoạt ở chi hội nông dân bản và được cán bộ Hội Nông dân, Khuyến nông huyện hướng dẫn; với quyết tâm không đói nghèo trên mảnh đất quê hương, gia đình tôi tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật; song nhờ tích cực học hỏi nên dần dần gia đình tôi đã rút ra được những kinh nghiệm quý. Ðược thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa thông qua hỗ trợ giống cỏ, gia đình tôi trồng thêm gần 1ha cỏ để mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng số lượng đàn, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Cùng với gia đình ông Vàng Sáy Khua, Ðiện Biên Ðông còn nhiều gia đình nông dân biến khó khăn thành lợi thế xây dựng những mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc vươn lên thoát nghèo, thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ðiển hình như: Gia đình ông Vàng Sáng Ly, bản Háng Lìa (xã Háng Lìa) có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; Lường Văn Ðậu, bản Na Phát (xã Na Son) thu nhập 230 triệu đồng/năm; Nguyễn Trọng Dũng, bản Suối Lư (xã Phì Nhừ) thu nhập gần 300 triệu đồng/năm...
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông, hiện nay trên địa bàn có 880 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (5 hộ cấp Trung ương, 95 hộ cấp tỉnh, 225 hộ cấp huyện, 555 hộ cấp cơ sở). Có được những kết quả đó là nhờ các cấp chính quyền đã triển khai kịp thời nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Những năm qua Hội Nông dân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và Trạm Khuyến nông, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho trên 11.513 lượt hội viên nông dân; mở lớp tập huấn dạy nghề cho trên 4.700 hội viên về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hội cũng ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho 2.554 lượt hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 72 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ đã thoát nghèo, không ít hộ đời sống đã khá lên…
Anh Nguyễn