Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã và đang nhận được sự đồng lòng, hợp sức của người dân, từng bước thay đổi diện mạo của địa phương. Có được điều đó có sự đóng góp không nhỏ của những người làm công tác dân vận ở địa phương.
|
Ông Hoàng Viết Cát (bìa phải) đang trao đổi với người dân địa phương. |
Trong vai trò Chủ tịch UBND xã Ea Mnang, ông Võ Sỹ Tùng đã không ngại khó, ngại khổ làm công tác dân vận để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trước đây, hầu hết các tuyến đường ở xã Ea Mnang đều lầy lội, nhỏ hẹp. Để thuận tiện cho việc vận chuyển hoa màu và đi lại của người dân thì nhất định phải tu sửa, làm mới và đặc biệt là phải mở rộng thêm các tuyến đường. Xác định Chương trình xây dựng NTM cần sự chung tay, góp sức của nhân dân, ông Tùng luôn trăn trở phải làm sao để vận động người dân hiểu được tầm quan trọng, mục đích của chương trình ý nghĩa này.
Chọn hướng gần dân, sát dân, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con để có biện pháp phù hợp, ông đến gõ cửa từng nhà, tuyên truyền để bà con hiểu và vận động mỗi người tự nguyện đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng chung của địa phương. Được sự ủng hộ của một số người dân ban đầu, ông tiếp tục thông qua “kênh” này để họ vận động họ hàng, người thân của mình làm theo. Tuy vậy, không phải đi đến nhà nào cũng nhận được sự thiện chí và sẵn sàng đóng góp của người dân. Ông Tùng cho hay, quá trình vận động nhân dân hiến đất làm đường gặp không ít khó khăn do một số người còn mang nặng tư tưởng cá nhân, chưa nghĩ đến lợi ích chung của tập thể. Do đó, có những nhà, ông phải đến nhiều lần để giải thích thuyết phục, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, góp tiếng của những người bà con, họ hàng để người dân hiểu và đồng thuận.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công cuộc xây dựng NTM ở xã Ea Mnang được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, xã Ea Mnang đã huy động trong nhân dân đóng góp ngày công, tiền của lên đến 2,3 tỷ đồng và hiến 7.600 m2 đất để bê tông hóa và nhựa hóa đường giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã hiện đã được mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tương tự, ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng luôn sâu sát, gần dân để “nghe dân nói, xem dân làm” và tuyên truyền để mọi người hiểu vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực, thôi thúc mỗi người dân chung tay trong công cuộc đổi mới bộ mặt nông thôn ở địa phương.
Cuôr Đăng là xã còn nhiều khó khăn, có đến là 83% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bắt tay vào xây dựng NTM, tiêu chí về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn quả là bài toán khó đối với xã, vì liên quan nhiều đến vấn đề kinh phí. Ông Cát xác định ngay từ đầu, nếu dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi cuối ngày, ông đến từng nhà dân trong buôn tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bằng tiếng nói của một người có uy tín, ông đã giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của việc chung tay xây dựng NTM, dần xóa bỏ những suy tính cá nhân, đề cao lợi ích chung của tập thể. Sau những nỗ lực cố gắng của ông Cát trong việc tuyên truyền, bà con đã đồng lòng, đóng góp sức người, sức của để xây dựng các tiêu chí NTM. Từ năm 2015 đến năm 2017, xã đã huy động trên 1.000 ngày công; người dân tự giải phóng mặt bằng, hiến gần 4.000 m2 đất để mở đường, đóng góp trên 5 tỷ đồng để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng được 1 km đường nhựa, trên 15 km đường bê tông, 16,3 km đường cấp phối đá dăm.
Bên cạnh đó, là người đứng đầu chính quyền ở một xã có số đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức còn hạn chế, tư duy sản xuất còn lạc hậu nên nhiều năm qua ông Cát còn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, biến đổi vùng đất cằn thành những vườn cây xen canh trồng bơ, sầu riêng trong vườn cà phê già cỗi... Đồng thời, tập trung nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả hiện có, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Việc làm này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Cuôr Đăng đạt bình quân 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 5,79%.
Có thể khẳng định, nhờ dân vận khéo, nhiều đơn vị cơ sở ở huyện Cư M’gar đã khơi dậy sức mạnh trong cộng đồng, xây dựng khối đoàn kết một lòng để làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực phát triển cho địa phương.
Đỗ Lan