Thứ Ba, 19/11/2024
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - "Chìa khóa" để giảm nghèo bền vững
 

Ông Nguyễn Thái Sơn ở thôn Ea Tút, xã Pơng Drang (bìa trái) giới thiệu
 vườn rau trồng trong nhà lưới của gia đình.
 

Năm 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Quý ở thôn Tân Lập 4 được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 15 triệu đồng. Ông đã mạnh dạn mua giống bơ Booth 7 và sầu riêng về trồng xen trong 3 ha cà phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên các loại cây trồng trong rẫy đều phát triển tốt, ít sâu bệnh. Từ năm 2017, bơ và sầu riêng đều bước vào giai đoạn kinh doanh, cho tổng thu nhập trên 2,5 tỷ đồng.

Ông Trương Huy Tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập 4 cho hay, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chi bộ, ban tự quản thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý như đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn bộ diện tích khoảng 120 ha đất trồng cây lâu năm của người dân (chủ yếu là cà phê) trong thôn đã áp dụng việc xen canh một số loại cây trồng như tiêu, bơ, sầu riêng, mít, chanh dây... nên thu nhập tăng gấp nhiều lần so với việc độc canh cây trồng trước đây. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của thôn đều giảm đáng kể, hiện nay thôn chỉ còn 2 hộ nghèo trên tổng số 138 hộ dân.

“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Pơng Drang thực sự trở thành “chìa khóa” giúp người dân xóa đói giảm nghèo, là cơ sở để xã thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”- 
 
Bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang

Hay như gia đình ông Nguyễn Thái Sơn ở thôn Ea Tút có 4 sào cà phê, mỗi năm cho thu nhập chỉ khoảng 60 triệu đồng. Năm 2016, sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xanh do địa phương tổ chức, gia đình ông đã phá bỏ cà phê, đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Để chăm sóc rau và xử lý sâu bệnh, ông Sơn sử dụng hoàn toàn bằng các biện pháp sinh học, an toàn với môi trường và sức khỏe của cả người trồng rau lẫn người tiêu dùng. Hiện nay, mô hình trồng đa dạng các loại rau, củ, quả như: đậu cô ve, dưa chuột, cà chua, xà lách, bắp cải, cà rốt... của gia đình ông Sơn đạt năng suất ổn định mỗi tháng khoảng trên 3 tấn rau các loại, lãi trên 30 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cà phê như trước đây…

Bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang cho biết, hằng năm xã Pơng Drang đều lập kế hoạch định hướng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng đưa vào sản xuất. Cùng với đó, xã còn thường xuyên phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình trình diễn, khảo nghiệm đưa những giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nhằm tăng hệ số sử dụng đất, tạo ra sản phẩm chất lượng… Nhờ đó, nhiều mô hình khuyến nông được người dân áp dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

“Nhờ thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đến nay trên 90% các hộ dân trong xã đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất có thu nhập cao được nhân rộng. Hiện Pơng Drang là xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, đạt trên 37,3 triệu đồng/năm. Đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn khá cao, chiếm 10,24% dân số nhưng đến nay chỉ còn 6,53%, giảm hơn 3,71%” - bà H’Pin Mlô cho biết thêm.

Lê Thành

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi