Thứ Bảy, 18/5/2024
Mường Tè: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Đến thăm các xã được coi là khó khăn nhất của huyện Mường Tè như: Bum Tở, Pa Ủ, Tá Bạ, Tà Tổng, Thu Lũm, chúng tôi thấy cuộc sống người dân nơi đây đã đổi khác nhiều, từ con đường dẫn vào bản, nhà cửa, nếp sống, nhất là trình độ nhận thức người dân dần thay đổi. Nếu như trước đây, bà con còn lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì giờ đây việc khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật để thoát nghèo trên đồng đất quê hương được tăng cường, nhiều gia đình trở thành hộ có kinh tế khá trong bản. Ngoài các chương trình giảm nghèo, sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân là cốt lõi để tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Tè giảm dần.

 Ông Trần Đức Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Để giảm tỷ lệ hộ nghèo hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, tận dụng lợi thế của địa phương; chủ động thực hiện tốt các đề án, chương trình hỗ trợ; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp; vận động bà con tham gia vay vốn, sử dụng tốt các nguồn vay; thường xuyên mở các lớp dạy nghề, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường phát triển giáo dục, xóa bỏ các tệ nạn xã hội”.

Trước đây, cuộc sống bà con huyện Mường Tè chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Nhiều bản, hộ còn sống lẻ tẻ, xa trung tâm xã, huyện, đường đi lại khó khăn, sóng điện thoại, điện lưới không có nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Cùng với đó, tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn nên đói nghèo cứ mãi dai dẳng. Để người dân có cuộc sống tốt hơn, ngoài các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ được đầu tư, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chủ động xuống các bản khó khăn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tăng cường khai hoang đất sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương như nhiều đồng cỏ, bãi đất rộng để phát triển chăn nuôi gia súc. Cán bộ xã, huyện còn vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất cũ không hiệu quả, chủ động tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề, tìm hiểu cách thoát nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng áp dụng vào thực tiễn. Anh Lý Văn Lả, khu phố 9 (thị trấn Mường Tè) tâm sự: Tôi xuất thân từ 1 gia đình nghèo khó, đi làm vất vả cũng chỉ đủ bữa ăn hàng ngày, nên chưa nghĩ đến việc phát triển kinh tế gia đình. Được cán bộ thị trấn đến tuyên truyền, tôi hiểu biết thêm và tham gia vay vốn đầu tư vào mô hình VAC. Tôi chủ động học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ làm kinh tế giỏi và lên mạng tìm hiểu thêm thông tin. Đến nay, tôi có hơn 400 con gia cầm, 4 con lợn, 2 ao cá rộng 1.200m2 và 1ha nương ngô. Thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 Bà con ở nhiều bản trên địa bàn huyện hiện nay mạnh dạn phát triển kinh tế, tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, biết quy hoạch chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ voi, tận dụng những bãi đất trống để làm bãi chăn thả, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Trạm Khuyến nông khảo sát thực tế tại các địa phương, đưa giống mới vào sản xuất thay thế giống cũ để tăng năng suất, nhiều mô hình như: sa nhân, mắcca, quế, thảo quả, sả, tam thất được trồng và đạt chất lượng cao, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân. Ở các hội, đoàn thể, hội viên được vay vốn đầu tư vào phát triển kinh tế, học các lớp tập huấn để có thêm kiến thức, hội viên nghèo được cung cấp vốn, giống, công cụ sản xuất, giúp đỡ ngày công. Mỗi năm, các hội, đoàn thể giúp đỡ 2 - 3 hội viên thoát nghèo. Bên cạnh đó, người dân còn tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhiều bãi nương, đất trống, đồi trọc được phủ xanh, ở một số địa bàn như: Mù Cả, Tà Tổng, Pa Ủ, tiền hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng đang là nguồn thu nhập chính của bà con. Các địa bàn vùng thấp như: Bum Nưa, Vàng San, xã Mường Tè, thị trấn Mường Tè, bà con còn kinh doanh thương mại - dịch vụ. 

Huyện Mường Tè tập trung phát triển giáo dục nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, phát triển đảng viên, tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

Với sự đồng lòng trong xóa đói giảm nghèo, tin rằng tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm 5%/năm theo Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Thái Hà

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất