Thứ Ba, 19/11/2024
Nuôi trâu, bò vỗ béo giúp người dân vùng cao Bình An thoát nghèo

 Mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của gia đình anh Giàng A Cồ, thôn Nà Coóc, xã Bình An

 

Thôn Nà Coóc, xã Bình An – một trong những thôn điển hình về chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo ở xã Bình An. Anh Lương Văn Toàn, Trưởng thôn Nà Coóc cho biết, thôn có 120 hộ, hộ nào cũng nuôi trâu, bò nhốt chuồng; hộ ít thì 1 đến 2 con, hộ nhiều hàng chục con như gia đình anh Giàng A Cồ...

Từ chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo đã giúp cho nhiều hộ dân trong thôn xóa được đói, giảm được nghèo.Gia đình Anh Tráng A An, thôn Nà Coóc – một trong những hộ gia đình mới thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, anh An cho biết, năm 2007, gia đình anh cùng với nhiều hộ gia đình khác đã di dân từ vùng hồ thủy điện Tuyên Quang về định cư ở thôn Nà Coóc, đất sản xuất nông nghiệp ít nên việc phát triển kinh tế gia đình rất khó khăn. Từ chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng của địa phương, gia đình anh đã mạnh dạn vay mượn anh em họ hàng để đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo. Sau 3 năm đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, thoát khỏi diện hộ nghèo.

Cũng theo anh An, nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo không quá vất vả mà hiệu quả lại cao. Với hình thức nuôi gối, mỗi năm gia đình anh nuôi 3 đến 4 lứa trâu, bò vỗ béo, mỗi lứa 3 đến 4 con. Trâu, bò sau khi mua về nuôi vỗ béo khoảng 3 đến 4 tháng thì xuất bán. Lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò sau khi trừ chi phí còn lãi 1 triệu đồng/con/lứa nuôi. 

Cùng với gia đình anh An, gia đình anh Giàng A Cồ, ở thôn Nà Coóc đang nuôi 10 con trâu vỗ béo, anh Cồ cho biết, để nuôi vỗ béo hiệu quả, cần chọn những con trâu gầy nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn, như vậy sau quá trình nuôi vỗ béo con vật mới có trọng lượng lớn và cho lợi nhuận cao.

Quá trình chăn nuôi cần chú ý thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Còn về chế độ dinh dưỡng, mỗi con trâu nuôi vỗ béo hàng ngày được cho ăn cỏ VA06 thái nhỏ trộn lẫn với cám ngô, mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều. Với khẩu phần ăn như vậy sẽ giúp cho trâu nhanh béo khỏe và được xuất bán, tăng nhanh vòng quay trong chăn nuôi vỗ béo. Cứ mỗi con trâu, sau khoảng 3 đến 4 tháng vỗ béo là có thể xuất bán được.

Cũng theo anh Cồ, chăn nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả tự nhiên có thể tận dụng được nguồn cỏ rừng, nhưng 2 - 3 năm mới xuất bán được vì vậy hiệu quả kinh tế không cao. Nuôi nhốt vỗ béo một năm có thể nuôi tối đa 3 lứa, nguồn vốn được quay vòng liên tục nên hiệu quả mang lại cao. Trâu, bò nuôi vỗ béo đủ điều kiện xuất chuồng được thương lái đến tận nhà mua sau đó đem bán cho các chợ gia súc của tỉnh Hà Giang.

Cũng như thôn Nà Coóc, thôn Tiên Tốc, xã Bình An có 49 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống thì có 47 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Anh Tráng A Bào - Trưởng thôn Tiên Tốc cho biết, năm 2006, các hộ dân tộc Mông trong thôn di dân từ vùng hồ thủy điện Tuyên Quang về thôn Tiên Tốc, xã Bình An. Để ổn định đời sống, ngay sau khi di dời về Tiên Tốc có 10 hộ đầu tiên thực hiện nuôi trâu, bò vỗ béo và đến nay đã có 47/49 hộ trong thôn tham gia. Do kinh tế của người dân còn hạn hẹp nên có hộ chỉ nuôi được 1 - 2 con. Biết được những khó khăn đó, Hội Nông dân xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho 31 hộ trong thôn vay tiền đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với số tiền vay trung bình từ 30 -  50 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, đã giúp nhiều hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Nhận thấy chăn nuôi theo mô hình nhốt chuồng vỗ béo đang là hướng đi đúng, các hộ dân ở xã Bình An đã chuyển đổi những mảnh đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ VA06 để làm thức ăn chăn nuôi, cùng đó người dân còn tận dụng lá, ngọn mía, cây ngô để làm thức ăn nuôi trâu, bò.

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Bình An là xã vùng cao còn rất nhiều khó khăn, toàn xã có 762 hộ, với 3.619 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Tày, Dao, Mông. Mặc dù mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Bình An mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua thực hiện mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo ông Khâm, thời gian tới, để nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để tổng kết và nhân rộng những kinh nghiệm nuôi hiệu quả đến các hộ chăn nuôi; đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lâm Bình tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Thông qua tập huấn, giúp người dân nắm bắt kỹ thuật từ cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng với khẩu phần ăn hợp lý, vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi...

Vũ Quang Đán


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi