Thứ Năm, 19/12/2024
Ngân Sơn đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo

Việc nằm trong danh sách các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ phê duyệt, mở ra hướng sớm giảm nghèo dựa vào nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, đặc thù cho huyện nghèo. Đồng chí Chu Thị Huyền- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ nguồn hỗ trợ đặc thù cho huyện nghèo theo, Ngân Sơn đang tích cực xây dựng khung đề án giảm nghèo dựa vào nguồn lực hỗ trợ dành cho huyện nghèo. Huyện đã chỉ đạo chủ động rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu; các xã, thị trấn tiếp tục bổ sung các danh mục để khi có nguồn lực, hướng dẫn của bộ, ngành, cũng như hướng dẫn của UBND tỉnh để có thể bắt tay vào triển khai. Trên cơ sở đó, huyện cũng đang xây dựng khung đề án giảm nghèo bền vững, tập trung vào các thế mạnh của địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a.

Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Ngân Sơn chiếm gần 60%. Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tiến hành rà soát, tìm hướng đi trong phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương giúp người dân vươn lên. Trong đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa; thực hiện nhiều mô hình khuyến nông; hỗ trợ vay vốn… Các giải pháp này được triển khai đồng bộ với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp trong huyện.


 Kinh tế rừng là một trong những hướng đi mũi nhọn để phát triển kinh tế của Ngân Sơn.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2017 Chương trình cải tạo đất trồng lúa theo Nghị định số 35-NĐ/CP được thực hiện trên gần 135ha đã giúp nâng cao năng suất cho gần 500 hộ dân trong toàn huyện, nhờ đó, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt trên 17.000 tấn. Có 700ha diện tích đất canh tác đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, trong đó phải kể đến cây trồng thế mạnh là cây thuốc lá. Ở Ngân Sơn, cây thuốc lá được gieo trồng với diện tích trên 700ha mỗi vụ, sản lượng đạt hơn 1.800 tấn, tổng giá trị bình quân mỗi năm là trên 60 tỷ đồng. Có được kết quả đó, ngoài các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, công tác thủy lợi được đặc biệt quan tâm. Cùng với việc huy động sức dân xây dựng, bảo vệ các hệ thống mương phai, đối với một số công trình bị hư hỏng do thiên tai, huyện đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục sửa chữa, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định.

Bên cạnh cây công nghiệp ngắn ngày (thuốc lá), sản phẩm gạo nếp thơm Khẩu nua lếch cũng là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được huyện khuyến khích mở rộng diện tích. Gần 70ha lúa nếp thơm Khẩu nua lếch được trồng tại các xã Thượng Quan, Cốc Đán, Thuần Mang. Hơn hết là sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn người dân đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp Khẩu nua lếch” và kết nối với các doanh nghiệp để tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho người dân, nâng cao thu nhập.

 Những năm qua, công tác trồng rừng ở Ngân Sơn được đẩy mạnh, là hướng đi mũi nhọn để phát triển kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, kế hoạch trồng rừng của huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đồng chí Hoàng Văn Trường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện: Năm 2018, chỉ tiêu giao là 600ha, qua triển khai, người dân trong huyện đã đăng ký và thiết kế trồng được 633ha, vượt kế hoạch giao. Ngân Sơn xác định trong năm 2018 chủ yếu tập trung vào trồng các loài cây gỗ lớn, trong đó cây thông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trồng, đến tuổi khai thác, người dân sẽ được thực hiện tỉa thưa, chích nhựa, rồi tiến hành khai thác trắng. Giá trị của cây thông theo tính toán hiện nay là khoảng 300 triệu/ha.

 Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người dân, vừa góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Ngân Sơn. Tính riêng năm 2017, huyện đã giải ngân được gần 28 tỷ đồng để xây dựng các công trình thuộc Chương trình 135, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới như: Công trình đập kênh mương ở thôn Bản Hòa, xã Trung Hòa; xây dựng Trạm Y tế xã Lãng Ngâm… Ngoài ra, nguồn vốn còn được sử dụng hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân như: Mua trâu bò sinh sản, giống cây trồng, phân bón… Tới đây nguồn đầu tư hỗ trợ của Chính phủ với huyện nghèo 30a sẽ tiếp tục giúp Ngân Sơn vươn lên, đạt nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo./.

Thu Hường

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất