Thứ Năm, 19/12/2024
Đăk Nông: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn

 Tuyến kênh tưới tiêu trên cánh đồng xã Trúc Sơn (Chư Jút) lồng ghép từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia giúp người dân phát triển sản xuất

Để cụ thể hóa việc lồng ghép các nguồn vốn cho công tác giảm nghèo, ngày 7/8/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND quy định về cơ chế lồng ghép và quản lý các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2017-2020.

Trong đó, UBND tỉnh xác định các hình thức lồng ghép các nguồn vốn khác nhau giữa hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để đầu tư xây dựng một công trình, dự án hoặc nhiều công trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn một xã hoặc liên xã; lồng ghép giữa nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo; lồng ghép với các nguồn vốn ODA, FDI và NGO trên địa bàn; lồng ghép giữa nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn tài trợ, nguồn vốn do người dân đóng góp thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững...

Ngoài ra, UBND tỉnh căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biết khó khăn về giáo dục, y tế, giao thông... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, kích thích tiêu thụ hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian qua, việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn nhằm mục tiêu giảm nghèo, các đơn vị, địa phương và người dân đã có sự quan tâm và đồng lòng cùng nhau triển khai thực hiện.

 

Năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để lồng ghép thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, toàn tỉnh đã huy động từ nguồn ngân sách Trung ương  là 41.600 triệu đồng; huy động từ nhân dân đóng góp là 10.259 triệu đồng. Phần vốn sự nghiệp thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, duy tu bảo dưỡng công trình, đào tạo, tập huấn là 14.584 triệu đồng. Còn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, vốn ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh 44.555 triệu đồng; ngân sách huyện 500 triệu đồng; nhân dân đóng góp 24.000 triệu đồng, huy động khác 1.148 triệu đồng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình huy động nguồn lực phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế nhất định như một số chương trình, dự án vẫn thực hiện đầu tư riêng lẻ, chỉ lồng ghép nội dự án, chưa liên kết giữa các dự án, nhất là việc lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân và huy động vốn có lúc, có nơi còn chậm. Một số tiểu dự án triển khai còn chậm, việc kêu gọi sự tài trợ của nguồn vốn khác còn hạn chế trong khi những vướng mắc này chưa được các địa phương báo cáo kịp thời, cụ thể.

Từ đây cho thấy, để phát huy tốt các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, quá trình triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, các địa phương cần phải có kế hoạch cụ thể để huy động sự vào cuộc toàn diện của các cấp, các ngành, của toàn thể xã hội, những người thụ hưởng các chính sách. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc nghiêm túc xây dựng, triển khai kế hoạch, các cấp, ngành và địa phương cần xác định rõ những công trình, dự án nào có thể lồng ghép với dự án khác, công trình dự án nào huy động sự tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp, của nhà đầu tư trên địa bàn để có phương án triển khai cụ thể; chú ý lồng ghép liên dự án đối với các chương trình, dự án có cùng mục đích đầu tư như: Dự án ODA, dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Đan Tâm

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất