Với nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, mau thu hồi vốn, đầu ra ổn định... mô hình nuôi thỏ của bà con nông dân (ND) xã Tân Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều ND có thu nhập ổn định.
Vươn lên thoát nghèo
Đi đầu trong mô hình nuôi thỏ trên địa bàn là ông Trần Thiện Đức (ấp Mỹ Hóa 2). Với kinh nghiệm trên 10 năm nuôi thỏ, ông Đức cho biết, so với nhiều loại vật nuôi khác, nuôi thỏ có nhiều ưu điểm như: không đòi hỏi hiện tích nuôi lớn; thời gian nuôi ngắn, trung bình từ 1,5-2 tháng là có thể cho xuất chuồng nên mau thu hồi vốn; nguồn thức ăn chủ yếu là rau muống, lúa và thức ăn gia súc nên rất dễ tìm. Tuy nhiên, theo ông Đức, mặc dù có nhiều ưu điểm nổi bật so với những vật nuôi khác nhưng khi nuôi thỏ, ND cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng cho sạch sẽ, khô thoáng, vừa khử được mùi hôi vừa giúp thỏ tăng sức đề kháng, ít bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn (rau muống) phải được phơi ráo trước khi cho ăn, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra tình trạng thỏ để sớm phát hiện các bệnh như: tiêu chảy, ghẻ lở... từ đó có những biện pháp điều trị hợp lý.
|
Mô hình nuôi thỏ giúp nhiều nông dân thoát nghèo |
Hiện nay, thỏ có đầu ra tương đối ổn định, được các thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 60.000 đồng/kg. Do nhu cầu lớn nên ông Đức còn thu mua thêm thỏ ở các hộ chăn nuôi lân cận. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông bán trên dưới 200 con thỏ, trọng lượng mỗi con từ 1,8-2kg. Ngoài ra, ông Đức còn tự nhân giống để giảm bớt chi phí chăn nuôi, cũng như bán cho các hộ ND khác để tăng thu nhập cho gia đình. “Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Từ ngày lập chuồng nuôi thỏ, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện rất nhiều” - ông Đức thông tin.
Giúp nhau làm ăn
Thấy được việc nuôi thỏ đem lại lợi nhuận cao, nhiều hộ ND trong xã Tân Hòa đã đến tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của ông Đức và được ông nhiệt tình giúp đỡ. Bà Dương Thị Bích Thủy (ở ấp Mỹ Hóa 2) cho biết, trước đây gia đình bà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, bà phải đi làm thuê cho những hộ ND khác ở địa phương như: làm cỏ, hái ớt, thu hoạch bắp... Các con bà cũng đi làm mướn nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Thấy mô hình nuôi thỏ của ông Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu vào thấp nên gia đình bà đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua con giống về nuôi. “Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa biết đầu ra như thế nào nên gia đình tôi chỉ mua 2 cặp thỏ giống. Thấy thỏ dễ nuôi, phát triển tốt lại hút hàng nên gia đình tôi mạnh dạn mua thêm 6 cặp thỏ giống về chăn nuôi. Từ ngày nuôi thỏ đến nay, kinh tế gia đình tôi chuyển biến rõ rệt” - bà Thủy bộc bạch.
Ngoài hộ ông Đức, bà Thủy, trên địa bàn xã Tân Hòa còn có nhiều ND bắt đầu chuyển sang mô hình nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình. Với nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ rộng là những lợi thế trong chăn nuôi thỏ so với nghề khác. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Lê Tấn Tài cho biết, mô hình nuôi thỏ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trước mắt, địa phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ ấp Mỹ Hóa 2, thu hút sự tham gia của 5 hộ. Thời gian tới, địa phương sẽ giới thiệu, tạo điều kiện cho ND trực tiếp tham quan để học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho ND tham gia chăn nuôi, qua đó giúp ND có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.
Đức Toàn