Thứ Năm, 19/12/2024
Bước tiến dài nhưng chưa vững chắc

Thành quả rất lớn phải ghi nhận

“Công tác giảm nghèo đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 76. Kết quả này được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, các tổ chức quốc tế cũng thừa nhận thành quả giảm nghèo của Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận xét.

Nhiều số liệu được nêu trong báo cáo của Chính phủ đã chứng minh cho nhận định này. Đơn cử trong nhiệm vụ đầu tiên được QH giao cho Chính phủ là đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016 - 2020) của QH, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Báo cáo chỉ rõ, giai đoạn 2015 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt mục tiêu đề ra (1 - 1,5%/năm). Ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm xuống dưới 6%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cũng sẽ giảm trên 4%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm từ 3 - 4%, đạt mục tiêu QH giao. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt chỉ tiêu QH giao. Trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của cả nước đến nay đã có 8 huyện thoát nghèo; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nếu so sánh các thôn, bản nghèo cách đây 5 năm, 10 năm với hiện tại sẽ thấy có bước tiến dài cả về đời sống, cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, thay đổi bộ mặt cơ bản. Đồng tình với nhận xét này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, hai năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc và có kết quả tốt. Đây là điểm sáng, là thành quả rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là thời gian qua, chúng ta thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, bị tác động tiêu cực về thiên tai, lũ lụt, điều kiện ngân sách còn hạn hẹp…

Bộ, ngành, địa phương nào phối hợp chưa tốt?

Tuy nhiên, đánh giá chi tiết việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 76, các Ủy viên UBTVQH nhất trí cho rằng, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Điều này thể hiện ở các yếu tố như tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa các địa phương trong cùng một khu vực. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thậm chí còn có xu hướng doãng rộng ra. Khẩu hiệu của chúng ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng thực tế, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, dù không bị bỏ lại thì người nghèo vẫn ở phía sau, chưa tiến kịp khi nhiều nơi. Tỷ lệ nghèo vẫn là 50 - 70%, có xã ở Quảng Bình, hộ nghèo và cận nghèo lên tới hơn 90%.

Điều đáng lo nữa được chỉ ra trong cả Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội là, kết quả giảm nghèo khá mong manh. Tính đến tháng 3.2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo, 14/30 huyện hưởng chính sách 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020 đã bổ sung tới 29 huyện. Cùng với đó là 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt, trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo, số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng ¼ số hộ thoát nghèo. “Tôi cứ tưởng con số thống kê có vấn đề gì nhưng các đồng chí xác nhận đúng thì tôi thấy rất băn khoăn về bức tranh giảm nghèo của chúng ta”, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói.

Lý giải cho tình trạng thiếu tính bền vững trong kết quả giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, là do tình trạng tách hộ, hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là đối với đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số… “Như huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, Chính phủ đang chuẩn bị bỏ phiếu đưa ra khỏi danh sách huyện 30a thì chỉ sau một cơn bão, chúng tôi quay lại đã không thể đưa ra khỏi danh sách được nữa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tuy nhiên, lý do này đã không hoàn toàn thuyết phục được các Ủy viên UBTVQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, cả hai Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đều đánh giá công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương vẫn là khâu yếu, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các chính sách có liên ngành nhằm tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo; phổ biến là tình trạng các ngành độc lập triển khai nhiệm vụ của mình; vai trò điều phối, lồng ghép chính sách của nhiều ban chỉ đạo cấp tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia chưa rõ nét”. Như vậy, ở cả Trung ương và địa phương đều có tình trạng phối hợp chưa tốt. Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo. Nhưng câu chuyện này chúng ta cũng đã nói nhiều năm nay. Vậy thì, cụ thể là bộ, ngành nào, địa phương nào phối hợp chưa tốt? Bộ, ngành nào, địa phương nào chưa muốn tích hợp, vẫn muốn độc lập? Có nhiều ý kiến nói rằng, ở đây có vấn đề liên quan đến hệ thống: Một là quyền của từng bộ, ngành; hai là tổ chức với sự tồn tại của các ban chỉ đạo, các bộ phận hành chính để triển khai các chương trình, chính sách.

“Chúng tôi muốn biết đấy có phải là lý do để chúng ta không thể tích hợp được và phối hợp trong quản lý nhà nước không tốt hay không?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi. Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị, phải đánh giá sâu hơn về nguyên nhân chủ quan, công tác tổ chức, điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan, đoàn thể như thế nào để có biện pháp xử lý dứt khoát.

Phân cấp rõ ràng cho địa phương

Những yếu tố chưa bền vững trong kết quả giảm nghèo của 2 năm vừa qua sẽ là thách thức, tác động ngay đến việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo yêu cầu của Nghị quyết 76 trong 2 năm còn lại. Vì thế, theo các Ủy viên UBTVQH, cần thay đổi cách thức tiếp cận đối với các chính sách giảm nghèo.

Trong đó, một yêu cầu bắt buộc là phải đẩy mạnh thực hiện và nhanh chóng hoàn thành việc tích hợp chính sách, văn bản có liên quan về giảm nghèo, thu gọn đầu mối quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư cho những vấn đề căn cốt là hạ tầng đường, điện, trạm thông tin; nguồn lực sinh kế, đất đai, vốn, dân trí... Đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi hiện vẫn đang trong tình trạng thiếu cả đất sản xuất và đất ở. Nhà nước có hỗ trợ bao nhiêu chính sách, bao nhiêu chương trình nhưng nếu không có đất sản xuất thì làm sao đồng bào có nguồn lực sinh kế để thoát nghèo? Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ rõ, đây là vấn đề cần tập trung, phải tổng kết để có đột phá cho giai đoạn tới trong việc thực hiện các chính sách nguồn lực và cũng phải tính đến các địa bàn đặc thù, các dân tộc đặc thù, các vùng đặc thù vì khó khăn ở mỗi nơi khác nhau, mỗi dân tộc khác nhau. Nếu áp dụng chính sách chung chung cho cả 53 dân tộc thiểu số, cho cả vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì rõ ràng là không hiệu quả.

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị, phải phân cấp rõ ràng, xác định rõ vai trò của địa phương trong thực hiện các chính sách giảm nghèo là rất quan trọng. Các bộ, ngành không nên ôm các chương trình, chính sách giảm nghèo mà chỉ tập trung làm chính sách, kiểm tra, bố trí nguồn lực thực hiện. Còn lại, người quyết định cuối cùng phải là đảng bộ, chính quyền địa phương, là ông bí thư, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, phải quan tâm đến chính sách giáo dục, thay đổi nhận thức cho người dân về giảm nghèo và tạo điều kiện thuận lợi để người dân chủ động giảm nghèo.

Nguyễn Bình/daibieunhandan.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất