Thứ Năm, 19/12/2024
Người dân xã Nông Thượng thoát nghèo nhờ trồng quế
Người dân chăm sóc rừng quế

Vào thời điểm này, người dân đang tiến hành khai thác quế. Với vỏ quế tươi giá bình quân 15.000 đồng/kg, vỏ quế khô là 35.000 đồng/kg, một cây có thể thu từ 300.000 - 500.000 đồng. Một héc ta rừng quế ở nơi đất tốt có thể cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Sở dĩ diện tích quế tại địa phương tăng vì người dân không còn mặn mà với cây keo, mỡ bởi những năm gần đây thường xảy ra hiện tượng mối ăn rễ trên cây keo, sâu ong hại cây mỡ nên người dân chuyển sang trồng quế. Mặt khác, cây quế có thời gian trồng ngắn hơn cây keo, mỡ và còn bán được cả vỏ, cành lá, trong khi đó thân gỗ cây quế có giá bán ngang với gỗ keo và mỡ nên rất được bà con ưa chuộng.

Ông Nông Văn Cường, người dân thôn Khuổi Trang, xã Nông Thượng, có hơn 2 héc ta trồng quế với hơn 1 vạn cây cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng giống như bao gia đình khác ở đây chỉ biết làm ruộng, cấy lúa nên chỉ đủ ăn. Từ khi chuyển sang trồng quế, cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn. Hiện cây quế là cây kinh tế chủ lực không chỉ của gia đình tôi mà còn giúp phát triển kinh tế với đại đa số người dân thôn Tân Thành và Khuổi Trang.

Trong 5 năm tới, rừng quế của nhà ông Cường khi thu hoạch sẽ mang về số tiền khá lớn. Để lấy ngắn nuôi dài, hiện nay gia đình ông đã cho khai thác, bán cành và lá cây để làm tinh dầu quế. Theo ông Cường, cây quế có ưu điểm dễ trồng, ít sâu bệnh, ưa khí hậu mát mẻ, chỉ mất 3 năm đầu chăm sóc, từ năm thứ 7 trở đi, có thể khai thác tỉa thưa.

Ông Hoàng Văn Sinh - Trưởng thôn Tân Thành chia sẻ: Thôn Tân Thành có 82 hộ, toàn bộ là người dân tộc Dao. Các hộ bắt đầu trồng cây quế từ năm 1990. Ban đầu người dân trồng quế chỉ nghĩ đơn giản là trồng cây rừng kiếm thêm thu nhập như trồng keo, mỡ. Năm 1997, tới thời điểm thu hoạch người dân mới phát hiện đây là loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo nhờ cây quế.

Vào vụ trồng rừng, người dân ở đây tự ươm giống quế hoặc đi mua giống về trồng. Tuy nhiên, do không được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật nên nhiều hộ tự ươm cây theo kinh nghiệm vốn có. Phó Chủ tịch UBND xã Nông Thượng Hoàng Văn Nhúc cho biết: Hiện nay, kinh tế của nhân dân địa phương chủ yếu dựa vào phát triển nông lâm nghiệp, trong đó kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng và nhu cầu mở rộng diện tích trồng cây quế ở Nông Thượng rất lớn. Chính quyền địa phương mong muốn tỉnh có kế hoạch hỗ trợ về giống, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho nhân dân.

Người dân Nông Thượng đã có sự chủ động tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo dựa trên chính tiềm năng đất đai của địa phương. Thành quả trông thấy là những đồi quế xanh tốt đang ngày được mở rộng. Cây quế đang góp phần đưa đưa đời sống nhân dân Nông Thượng ổn định và nâng cao.

Vũ Hoàng Giang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất