Thứ Hai, 29/4/2024
Đường sạch nhờ làm dân vận giỏi
Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt được HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong triển khai với tần suất 2 ngày/tuần. Ảnh: Nguyễn Luyên

Nan giải vấn đề rác thải

Cũng như các vùng nông thôn khác, xã Hòa Phong gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện tiêu chí 17 về môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày quá lớn nhưng xã lại chưa quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có người và phương tiện chuyên chở rác. Các hộ gia đình thường tự xử lý rác thải bằng cách đốt, chôn lấp hoặc thậm chí vứt xuống sông, mương.

“Nhất là vào dịp lễ, tết hay khi mưa lũ, các kênh mương trên địa bàn đầy rác. Địa phương phải xử lý hàng tuần mới hết nhưng cũng chỉ được những chỗ gần đường, xóm, còn những đoạn vắng thì không thể xử lý xuể” – ông Nguyễn Văn Đông – cán bộ địa chính môi trường xã Hòa Phong cho biết.

Bà Trần Thị Mỹ Liên (trú thôn Mỹ Thành Tây, xã Hòa Phong) chia sẻ, trước đây khi chưa có dịch vụ thu gom rác, gia đình thường tập trung rác lại thành từng bao ở góc vườn, đầy thì mang vào gò vứt. Việc tích tụ rác trong khuôn viên nhà đã tạo môi trường cho ruồi, muỗi phát triển khiến các thành viên trong gia đình hay mắc các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường hô hấp...

Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu thực hiện mô hình thu gom rác thải, ông Võ Ngọc Tự - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho hay: “Thời gian đầu, bà con tham gia dịch vụ rất ít, thậm chí không muốn tham gia vì vẫn còn thói quen vườn rộng nên tiện đâu vứt đó, không mất chi phí. Mặc dù vài tháng đầu triển khai dịch vụ, HTX xác định sẽ bị lỗ, nhưng vì sức khỏe của người dân nên HTX vẫn duy trì làm với mong muốn “mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con sẽ hình thành thói quen vứt rác tại nơi quy định, chung tay bảo vệ môi trường”.

Không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, xã Hòa Phong đang dần tiến tới một bước cao hơn, đó là phân loại rác ngay từ trong nhân dân, chuẩn bị cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải sắp được xây dựng theo quy hoạch của UBND huyện Tây Hòa.

Thành công từ công tác dân vận

"Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, chỉ có 200/2.300 hộ dân trong xã ở dọc Quốc lộ 29 được xe môi trường của huyện thu gom rác thải sinh hoạt. Còn lại người dân thường tự đốt hoặc tiện đâu vứt đó”.

Ông Nguyễn Văn Đông –
Cán bộ địa chính môi trường
xã Hòa Phong

Trước tình hình trên, lãnh đạo xã Hoà Phong xác định cách tốt nhất để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn là tổ chức thu gom, tập trung rác về một điểm để xử lý.

Theo đó, năm 2012, UBND xã giao HTX Nông nghiệp KDDV Hòa Phong triển khai mô hình thu gom rác trong toàn xã với tần suất 2 ngày/tuần.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, mục đích của mô hình là từng bước thay đổi thói quen của người dân trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Có thể thấy, chỉ sau vài tháng thực hiện, ý thức của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Vấn đề môi trường trên địa bàn đã được giải quyết.

Chia sẻ thêm về hiệu quả của mô hình, bà Trần Thị Mỹ Liên vui vẻ tâm sự: “Giờ có xe rác đến tận nhà thu gom, chúng tôi phấn khởi lắm. Phí dịch vụ chỉ 8.000 đồng/hộ/tháng nên mọi người rất hào hứng tham gia. Từ ngày có dịch vụ thu gom rác thải, đường sá thôn, xóm sạch đẹp hẳn”.

Ông Đông cho biết, để có thành công hiện nay, công tác dân vận được các cấp chính quyền xã Hòa Phong hết sức coi trọng. Ngoài việc các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tăng cường công tác tuyên truyền tới hội viên, tạo ra những nhân tố điển hình, cứ 20-30 hộ sẽ có một đảng viên gương mẫu để làm công tác lan tỏa, tuyên truyền tới các hộ dân xung quanh học tập làm theo.

Nguyễn Luyên/ danviet.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất