Thứ Năm, 19/12/2024
“Đầu tàu” nơi bản vùng cao

 Cán bộ thôn, bản vận động người dân bản Chăm Pông, xã Ngọc Chiến
thực hiện nếp sống hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới

Mô hình xóa nghèo ở bản

Bản Chăm Pông và bản Chôm Hán Chế là hai bản người Mông nằm ở vị trí cao nhất của xã Ngọc Chiến. Trước đây kinh tế hộ chỉ trông vào làm nương rẫy, năng suất thấp và bấp bênh cho nên đói nghèo đeo đẳng. Theo đảng viên, Trưởng bản Chăm Pông Giàng A Chaư, được cấp ủy quan tâm và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện đất canh tác ít, đất rừng chưa được khai thác, cây sơn tra (táo mèo) được lựa chọn là cây trồng chủ yếu.

Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, sản phẩm sơn tra ở đây cho chất lượng rất tốt, lại không phải chăm sóc nhiều, thời gian trồng không dài, chỉ từ bốn đến sáu năm là cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao. Gia đình trưởng bản Giàng A Chaư trồng 2 ha, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Cây sơn tra đã giúp người dân trên núi xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình trồng cây sơn tra cũng được bà con người La Ha ở bản Kẻ áp dụng, bước đầu cho kết quả tốt. Bản Kẻ có 41 hộ, việc trồng lúa năng suất cao, trồng sơn tra kết hợp chăn nuôi trâu bò đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của bà con. Từ đó, các phong trào xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình tham gia theo hình thức cùng làm, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân bỏ ngày công đổ bê-tông một số đường nội thôn. Trẻ em được đi học đầy đủ, một số em hoàn cảnh khó khăn, được Chi bộ bản Kẻ quan tâm và động viên gia đình để các em tiếp tục đến lớp. Theo Trưởng bản Lò Văn Quân, cấp ủy và chính quyền giúp người dân phát triển kinh tế là cách làm hiệu quả, góp phần vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là ở bản có hơn một nửa số dân không biết chữ như bản Kẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Pháng, xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ trồng các giống lúa truyền thống sang giống lúa mới cho năng suất cao gấp từ hai đến ba lần, nhân rộng mô hình trồng cây có quả như đào, sơn tra, thảo quả,… Xã Ngọc Chiến có lợi thế là khí hậu mát mẻ quanh năm, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho phát triển cây trồng và chăn nuôi. Ngoài ra, tiềm năng du lịch từ mỏ khoáng nóng, hang động hoang sơ, hồ thủy điện, thác… cũng đang được cấp ủy địa phương và ngành du lịch huyện Mường La nghiên cứu, tìm hướng khai thác.

Mô hình trồng hoa kết hợp rau màu đã khẳng định hướng đi đúng khi hoa trồng ở xã được khách hàng các thành phố lớn ưa chuộng, nhất là hoa hồng vào vụ hè, nhiều khi không đủ cung cấp theo nhu cầu. Việc thử nghiệm và nhân rộng giống lúa mới đã cho hiệu quả rõ nét, chỉ sau hai năm, toàn xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 88% (năm 2015) xuống còn 45% ( năm 2017). Tuy nhiên, đường giao thông kết nối với các địa phương lân cận còn chưa thuận lợi, gây khó khăn trong vận chuyển sản phẩm nông nghiệp tới các đô thị lớn, do đó vùng trồng chưa mở rộng được như tiềm năng vốn có.

Nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra, năm 2018 đạt sản lượng lương thực 7.200 tấn; hơn 4.500 con gia súc; trồng mới 150 ha rừng; tổng thu ngân sách địa phương gần tám tỷ đồng… Theo Chủ tịch UBND xã Lò Văn Pháng, các chỉ tiêu là khả thi với sự đi đầu, gương mẫu của cấp ủy, đảng viên, trưởng bản… Mục tiêu thời gian tới là làm sao để đưa các sản phẩm nông nghiệp như nếp tan, thảo quả Ngọc Chiến; quả sơn tra bản Nậm Nghiệp… vươn ra thị trường xa hơn.

Làm trước, vận động sau

Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, với 100% số dân là người dân tộc thiểu số, một bộ phận dân trí còn rất thấp, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, cấp ủy địa phương chủ trương tạo ra các mô hình kinh tế hiệu quả và làm mẫu để bà con làm theo. Để thay đổi nhận thức, thói quen trì trệ và giúp bà con tiếp cận kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới, cải tạo vườn rừng trồng loại cây mới, nuôi trâu bò nhốt chuồng, xa khu nhà ở… cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy phải là những “đầu tàu” gương mẫu trồng trước, nuôi trước rồi mới đi vận động, phổ biến.

Mô hình du lịch cộng đồng của anh Lò Văn Hặc, đảng viên Chi bộ bản Lướt, cho thấy sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm vừa nâng cao thu nhập gia đình, vừa khơi dậy tiềm năng du lịch địa phương. Anh Hặc cho biết, bản Lướt được thiên nhiên ưu đãi có dòng khoáng nóng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng. Sau đó, một số gia đình trong bản cũng làm theo, kết hợp với việc giới thiệu cây sa mu cổ, văn hóa bản địa, đã tạo ra địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách.

Đến Ngọc Chiến, chúng tôi gặp những người cán bộ thôn, bản trẻ, nhiệt huyết với công tác xã hội, trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, và luôn đi đầu trong các phong trào lao động, sản xuất như trưởng bản người Mông Giàng A Chaư, trưởng bản người La Ha Lò Văn Quân… và nhất là Chủ tịch UBND xã Lò Văn Pháng. Anh Pháng chia sẻ, tham gia công tác từ năm 1983 ở bản, với suy nghĩ ban đầu “làm cho vui” chứ không có phụ cấp gì. Hơn 10 năm làm công tác Đoàn, sau đó anh đi học ngành nông lâm, rồi về làm trưởng bản. Tâm niệm làm sao để người dân hết đói nghèo, năm 2000, anh mày mò và mang giống nếp 87 về tự gieo cấy làm điểm, rồi chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Sau ba năm, cả xã cùng trồng giống lúa này cho năng suất cao gấp ba lần.

Sau thành công đó, anh được cử làm cán bộ khuyến nông, rồi làm Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, nay làm Chủ tịch UBND xã. Anh luôn là người đi đầu trong thử nghiệm các mô hình nông nghiệp, từ trồng lúa giống mới, đến trồng hoa, củ quả. Gia đình anh đã gây dựng mô hình hợp tác xã trồng hoa, thu hút 70 hộ dân cùng tham gia góp đất và làm công, với thu nhập ba triệu đồng/người, các hộ giao quyền sử dụng đất và được trả 40 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hai lần so trồng lúa.

Nhờ đội ngũ cán bộ làm nòng cốt, công tác phát triển Đảng ở xã Ngọc Chiến cũng là một điểm sáng, với 140 đảng viên mới trong nửa nhiệm kỳ qua. Hiện nay, tất cả 33 bản đều có chi bộ làm hạt nhân cho các phong trào ở cơ sở. Từ đó, nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp ủy về phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của người bản địa… được thực hiện hiệu quả. Có thể kể đến phong trào vận động người dân giữ gìn vệ sinh, tách vật nuôi như trâu bò, dê lợn ra khỏi chỗ ở, nuôi nhốt gia súc, không thả rông. Trước đây, việc thả rông trâu bò dẫn đến ruộng nương bị phá nát, hàng trăm con bị chết rét qua mỗi mùa đông, nay hiện tượng đó hầu như không còn.

Tìm tới vườn đào, nơi anh Pháng tranh thủ ngày nghỉ ra chăm sóc cây, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những cây đào đang vào vụ sai trĩu quả. Anh Pháng cho biết, năng suất bình quân cho khoảng 2 tạ/cây. Một héc-ta trồng đào cho hiệu quả gấp 10 thậm chí 20 lần trồng lúa, lại không quá cầu kỳ trong chăm bón. Gia đình anh trồng thử chỉ sau hai năm cho kết quả, mời bà con đến tham quan. “Để bà con làm theo, cán bộ, đảng viên phải làm gương. Mình là cán bộ mà không biết tăng gia, sản xuất thì không vận động người dân phát triển kinh tế được”.

Động lực và tiềm năng đã có. Tuy nhiên, dù là địa bàn xây dựng Thủy điện Nậm Chiến, nhưng hiện nay còn 11 bản ở trên cao của xã Ngọc Chiến vẫn chưa có điện, cộng thêm giao thông bất lợi là những yếu tố kéo chậm tốc độ vươn lên của xã. Vì vậy, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là việc trước mắt, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành để thức dậy vùng đất giàu tiềm năng này./.

Anh Ngọc

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất