Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 09 chương, 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…
Đặc biệt, Luật đã dành riêng một chương quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả người Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam và những người bị hạn chế quyền công dân. Trong đó, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của “mọi người” thay vì của “công dân” như quy định tại Hiến pháp 1992. Đây là một trong những điểm mới so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài những quy định mang tính nguyên tắc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật còn quy định cụ thể về hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân; về pháp nhân của tổ chức tôn giáo; về quyền tham gia các hoạt động xã hội. Luật đã quan tâm hơn đến quyền được tập trung sinh hoạt tôn giáo không chỉ cho những người chưa có tổ chức tôn giáo mà còn bảo đảm cho tín đồ các tôn giáo ở những nơi chưa có tổ chức tôn giáo trực thuộc; việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã thuận lợi hơn.
Về nhận thức tôn giáo trong những năm qua cũng có sự thay đổi với nhiều điểm đột phá từ sau Nghị quyết 24/NQ-TW (10/1990) của Bộ Chính trị. Đến nay, Nhà nước đã công nhận 14 tôn giáo và hàng chục tổ chức tôn giáo, trong khi trước năm 2005, chỉ có 6 tôn giáo được công nhận. Đây là thay đổi rõ ràng về phương diện thể chế pháp lý. Bên cạnh đó, các tôn giáo được khuyến khích tham gia vào nhiều lĩnh vực xã hội như: Từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo dấn thân vào các lĩnh vực này.
Thực tế hiện nay cho thấy, đời sống tâm linh của đồng bào các tôn giáo rất đa dạng, có sự chấp nhận nhiều hệ luận đức tin pha trộn. Một tín đồ của một tôn giáo có thể tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo khác nhau. Có không ít người theo những tôn giáo “độc thần” (chỉ công nhận duy nhất một vị thần thánh) như: Công giáo, Tin lành, Hồi giáo đã tham gia và sinh hoạt tôn giáo khác tại chùa, đền, lễ hội tôn giáo...
Như vậy, đa dạng tôn giáo đang là xu thế có tính nổi trội do không gian xã hội mở rộng, tiếp xúc văn hóa ngày càng gia tăng và mở rộng. Đa dạng tôn giáo còn xuất phát ngay từ sự đa dạng của lịch sử văn hóa dân tộc. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn này, để hoàn thiện chính sách ứng xử và quản lý tôn giáo của Nhà nước ta.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Các quy định của Luật đều hướng tới việc bảo đảm hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. “Đây là lần đầu tiên pháp luật của nước ta ở văn bản cao nhất thể chế hóa đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, “tiệm cận” với các Công ước quốc tế. Điều đó đã khẳng định bước tiến mới của Nhà nước pháp quyền về tôn giáo”.
Qua thăm dò ý kiến, GS.TS Đỗ Quang Hưng cho biết, nhiều vị giáo phẩm đã bày tỏ niềm tin Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn tôn giáo, tín ngưỡng. Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cần được điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc Hiến định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Nhìn một cách tổng thể từ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về một số chính sách đối với tôn giáo ban hành ngày 11/11/1977 cho đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có thể thấy rõ quan điểm xuyên suốt, đó là: Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán nguyên tắc “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” đã được Chính phủ tuyên bố ngay từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945. Các văn bản quy phạm pháp luật dù được ban hành bằng hình thức nào, trong hoàn cảnh lịch sử nào cũng đều nhằm hướng tới việc hoàn thiện pháp luật trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, của mọi người, phù hợp với Hiến pháp và các Công ước quốc tế./
Nguồn: dangcongsan.vn, 23/1/2017