Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong những năm qua cùng với các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo ở các tỉnh phía Nam đã nỗ lực học tập, tích cực làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ với tất cả lòng thành kính đối với vị lãnh tụ dân tộc, đồng thời chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống, giữ vững an ninh trật tự địa bàn…
Chiếm trọn trái tim...
“Hôm tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp để quán triệt thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hàng trăm vị chức sắc, tín đồ tôn giáo ngồi chật kín hội trường, thật bất ngờ! Đúng là tư tưởng đạo đức sáng ngời và sự gần gũi của Bác Hồ với các tôn giáo thu hút đông đảo các vị chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo” - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu Trương Minh Chiến nói.
Từ những vị chức sắc và tín đồ tôn giáo này, đồng bào tôn giáo có dịp hiểu hơn về Bác, về đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đỗ Thị Kim Thanh kể: “Một vị hoà thượng tâm sự với chúng tôi, trong đời ông chỉ có hai thần tượng, đó là Phật Thích Ca và Bác Hồ. Vì ông cho rằng, những tư tưởng và hành động tiêu biểu của Bác Hồ phù hợp với giáo lý đạo Phật và Bác đã chiếm trọn được tấm lòng của tăng ni, phật tử Việt Nam”.
|
Ni sư Thích Nữ Huệ Từ (chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận TPHCM)
trao tặng xe lăn và quà cho trẻ em khuyết tật ở Bạc Liêu. |
Còn nhớ tại buổi toạ đàm “Học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Bác Hồ” ở TP Hồ Chí Minh, Hoà thượng Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) bày tỏ cảm xúc: “Sở dĩ Phật giáo Việt Nam xem Bác Hồ là Bồ Tát bởi trong hoạt động của mình, Bác luôn luôn phấn đấu, hy sinh vì những mục đích và lý tưởng, đạo đức cao đẹp của con người, nhất là người cùng khổ. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác là tấm gương sáng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.
Những lá đơn xin vào Đảng
Nổi bật trong hoạt động của các tôn giáo ở các tỉnh, thành phố phía Nam là gắn việc “làm theo đạo đức Bác Hồ” với các phong trào ở địa phương. Ở TP Cần Thơ, các cơ sở tôn giáo như chùa chiền, thánh thất, nhà thờ lồng ghép nội dung cuộc vận động với các buổi học tập, tọa đàm như trong các lớp giáo lý căn bản (Phật giáo Hoà Hảo), lớp giáo lý Hạnh đường (Cao đài), các lớp bồi dưỡng kinh thánh (Công giáo) với sự tham gia của hơn 35.000 lượt tín đồ. Nhiều chùa ở tỉnh Trà Vinh trước đây thuê người làm việc trong chùa, nay thì các sư trực tiếp làm, để “dành tiền thuê thầy dạy tiếng Khmer cho người dân”; có những nhà thờ dành một phần thời gian giảng đạo để giảng về lòng thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dân...
Ở các tỉnh phía Nam, trong những khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo, đã xuất hiện nhiều điểm sáng như giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) đã vận động đồng bào Công giáo tích cực tham gia công tác xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Giáo xứ Thượng Vinh Thanh (Ban đại diện Hội thánh Cao đài Tiên Thiên - Bình Dương) đã phối hợp với công an và Mặt trận Tổ quốc ở khu phố triệt phá các tụ điểm cờ bạc, tiêm chích ma tuý, phối hợp gia đình chăm sóc và cảm hoá những đối tượng nghiện hút.
Với đạo lý dân tộc “lá lành đùm lá rách”, nhiều tôn giáo ở các tỉnh, thành phố phía Nam tham gia cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung vừa bị lũ lụt tàn phá, hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa như mở trường học, xây dựng nhà tình nghĩa, đồng thời thường xuyên ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo; ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học v.v…
Kết quả “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của đồng bào tôn giáo và các chức sắc đã thể hiện một cách sinh động, cụ thể về chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước. “Vì tư tưởng và hành động tiêu biểu của Bác Hồ phù hợp với giáo lý đạo Phật, nên nhiều tăng ni, phật tử làm đơn gửi cấp uỷ địa phương mong muốn đứng vào hàng ngũ Đảng CSVN” - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bến Tre cho biết.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sóc Trăng, mới đây, các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Long Phú và Thạnh Trị đã kết nạp 5 đảng viên mới là những chức sắc tôn giáo thuộc Phật giáo Nam Tông Khmer. Đây là những người có nhiều đóng góp trong vận động đồng bào phật tử tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương như: xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự… “Những đóng góp của đảng viên có đạo đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo và dân tộc, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với chức sắc tôn giáo và đồng bào” - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Sóc Trăng nhận định.
Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam:
Bác đã cho tôi một thành phố mang tên Bác…
“Cám ơn Bác đã cho tôi một thành phố mang tên Bác! Từ nhiều năm qua, tôi tập yêu thương như Bác Hồ và chợt nhận ra cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi thấy yêu thành phố Hồ Chí Minh bởi cái nắng hanh hao, bởi những chiều mưa như thác đổ xuống lòng thành phố và ngay cả mùi khói xe, bỗng nhiên, tôi không cảm thấy khó chịu nhiều như trước nữa. Tôi bỗng thấy yêu những gương mặt thấm đẫm mồ hôi, những âm thanh náo nhiệt của cuộc sống. Tôi thích thú ngắm nhìn thành phố như một bức tranh được phối màu rực rỡ. Tôi nhận ra, đó chính là tâm hồn, là sức trẻ căng tràn của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”
(Trích ý kiến tại Toạ đàm về học tập đạo đức Bác Hồ ở TP Hồ Chí Minh)
|
Nguồn: btgcp.gov.vn