Cung cấp tri thức và thông tin chính thống
Theo Thiếu tướng Hồ Xuân Thức, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (DQTV), chủ trương đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo đã được các tôn giáo đồng tình ủng hộ.
Trong hơn 15 năm qua, cả nước đã có hơn 200.000 lượt vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức QPAN (đạt tỷ lệ hơn 65%). Ngoài những lớp do Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương tiến hành, Hội đồng Giáo dục QPAN các quân khu và các tỉnh đều chỉ đạo trường quân sự, trường chính trị, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ban, ngành liên quan tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Đồng thời, cả nước đã có hàng nghìn tăng, ni sinh và chủng sinh ở các học viện, trường trung cấp, đại chủng viện... được học những nội dung giáo dục QPAN.
Thiếu tướng Hồ Xuân Thức cho biết thêm: “Cục DQTV với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn diện công tác giáo dục QPAN, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức QPAN cho người có uy tín trong cộng đồng dân cư là các vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Cục DQTV đã tham mưu để phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục QPAN Trung ương mở nhiều lớp cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo là thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Sau bồi dưỡng kiến thức QPAN nhận thức, trách nhiệm của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã được nâng lên rõ rệt”.
Đại đức Thích Trí Minh, Trụ trì tại chùa Phổ Minh, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) chia sẻ rằng: Những kiến thức được trang bị qua lớp bồi dưỡng, là cơ sở để các chức sắc, nhà tu hành lồng ghép nội dung bồi dưỡng kiến thức QPAN với quá trình hành đạo, gắn với phổ biến giáo dục pháp luật, làm cho các giáo dân, tăng ni, phật tử hiểu rõ thêm về nhiệm vụ QPAN, từ đó, chuyển thành hành động tích cực trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo hữu Thượng Phòng Thanh, cai quản họ đạo Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh tại TP Hải Phòng, cho rằng: Nội dung các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN không nặng về lý luận mà được gắn chặt với thực tiễn nên dễ tiếp thu, thời gian tổ chức các lớp cũng không quá dài và được bố trí hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho những chức sắc, nhà tu hành tham gia...
Tại lớp Bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các vị chức sắc, nhà tu hành là thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII và người đại diện tôn giáo ở các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên vừa được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều vị chức sắc, nhà tu hành và đa số đều rất tâm đắc với nội dung, hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN thời gian qua. Từ thực tế ở địa bàn mình, Đại đức Thích Trí Minh, Trụ trì tại chùa Phổ Minh, TP Buôn Ma Thuột, cho biết: "Cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ quan tâm, tạo điều kiện mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành mà còn thường xuyên rút kinh nghiệm, đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức nên chất lượng các lớp bồi dưỡng ngày càng được nâng lên... Đây là những kiến thức mà các công dân cần phải biết, nhất là đối với các chức sắc tôn giáo là người lãnh đạo cả hệ thống tín đồ. Tại lớp bồi dưỡng lần này, tôi đã được cập nhập thêm nhiều thông tin, đặc biệt là thông tin chính thống, nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay mà trên đó xuất hiện không ít những thông tin bị xuyên tạc, bịa đặt không đúng sự thật”. Còn Giáo hữu Thượng Phòng Thanh thì chia sẻ: “Theo tôi, các tôn giáo chính thống đều hành đạo theo hiến chương của mình và dạy tín đồ phụng sự cho Tổ quốc. Tôi nghĩ những lớp học thế này là rất bổ ích và rất cần thiết. Nhưng tình hình luôn biến đổi cho nên các lớp cũng phải thường xuyên đổi mới, cải tiến. Qua lớp bồi dưỡng lần này, khi về địa phương chúng tôi sẽ lồng những kiến thức được học vào quá trình giảng đạo để truyền tải đến các đạo hữu của mình”.
Đưa giáo dục QPAN vào các cơ sở đào tạo của tôn giáo
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, nhà tu hành vẫn còn hạn chế và gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý là so với yêu cầu đặt ra thì số lượng chức sắc, nhà tu hành được bồi dưỡng kiến thức QPAN; tăng sinh, ni sinh, chủng sinh trong các cơ sở đào tạo của tôn giáo được giáo dục QPAN đạt tỷ lệ chưa cao. Đối tượng và các loại hình tôn giáo, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở nắm cũng chưa thật đầy đủ, chu đáo nên khi rà soát các đối tượng để bồi dưỡng còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, mỗi một tôn giáo có tập tục, sinh hoạt có lễ giáo, lễ điều, có giáo lý khác nhau cho nên khi tổ chức lớp thì cần phải phù hợp với tất cả các tôn giáo, từng loại hình, từng phong tục tập quán, từng cách sinh hoạt của họ để làm tốt công tác bảo đảm thì đây cũng là vấn đề khó khăn. Một vấn đề nữa đó là hiện nay, chưa có đội ngũ giáo viên và giảng viên chuyên sâu về bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, mà vẫn đang sử dụng đội ngũ giáo viên của các trường quân đội, công an, cơ quan, tổ chức kể cả cơ quan tổ chức về tôn giáo, do đó phương pháp giảng dạy có khi chưa sát với đối tượng cụ thể. Đối tượng chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo là một đối tượng đặc thù, nhạy cảm, do đó việc lãnh đạo, chỉ đạo phải chặt chẽ thì mới mang lại hiệu quả cao. Việc xác định nội dung, chương trình cho từng đối tượng, cho từng lớp bồi dưỡng, cho từng loại tôn giáo phải hết sức chặt chẽ, làm sao để gắn kết được giữa nội dung bồi dưỡng kiến thức QPAN với phổ biến giáo dục pháp luật và tình hình thực tiễn. Việc phối hợp giữa cơ quan của Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp với cơ quan tôn giáo, MTTQ các cấp và vận động được các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ở các địa phương là rất quan trọng.
Thiếu tướng Hồ Xuân Thức cho hay: “Cần tổ chức và thực hiện tốt việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước thành pháp luật giáo dục QPAN; chỉ đạo rà soát các đối tượng để bồi dưỡng, đặc biệt là sau bầu cử của tôn giáo; đồng thời có những chính sách phù hợp để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên chuyên trách cho các lớp bồi dưỡng... Trước mắt, Cục DQTV sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN ở các nhà trường tôn giáo và những năm tiếp theo sẽ vận động đưa môn Giáo dục QPAN vào các chủng viện thuộc công giáo và các nhà trường thuộc tôn giáo khác. Tôi tin chắc rằng công tác giáo dục QPAN sẽ khởi sắc và đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới”.
Nguồn: qdnd.vn, 11/8/2016