Thứ Năm, 9/1/2025
Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo

 Gia đình ông Trần Văn Khang, giáo xứ Vân Tập, xã Vân Hội, huyện Tam Dương luôn sống
"tốt đời, đẹp đạo", tích cực phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 6 đạo lạ hoạt động trái pháp luật, đó là: Tâm linh Hồ Chí Minh hay còn gọi là Hoàng Thiên Long - Nguyễn Điền; Long Hoa Di Lặc; Hội Tiên Rồng; Hội Tâm linh; Giáo hội Lạc hồng và Đoàn 18 Phú Thọ xuất hiện rải rác tại 7/9 huyện, thành, thị với tổng số gần 380 người tham gia. Thực hiện công tác tôn giáo năm 2016, Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền tới toàn thể các chức sắc, nhà tư hành, tín đồ các tôn giáo, cán bộ, đảng viên, hội viên, CCVC, công nhân lao động và nhân dân trong tỉnh về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. 

Theo khảo sát, thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh đang diễn ra các hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo. Đối với đạo Phật, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh có 343 tăng, ni với trên 400 cơ sở thờ tự. Trong đó, có 125 cơ sở có sư trụ trì và kiêm trụ trì; 14 chùa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia; 88 chùa xếp hạng di tích cấp tỉnh. Số lượng tín đồ của đạo Phật trên địa bàn có gần 140.000 người. Với đạo Công giáo, toàn tỉnh hiện có 12 xứ, 47 nhà thờ xứ, họ đạo, 12 linh mục và có trên 22.000 tín đồ. Chi hội Thánh Tin lành Phúc Yên thuộc Đạo Tin lành được tổ chức sinh hoạt hàng tuần do Mục sư Nguyễn Văn Long phụ trách có khoảng 40 tín đồ. Các điểm nhóm Tin lành tại các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và thành phố Vĩnh Yên chưa đủ điều kiện công nhận điểm nhóm hoạt động ổn định tại gia.

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân, đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ kịp thời hướng dẫn các huyện, thành, thị, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các tổ chức giáo hội, các chức sắc tôn giáo nhân dịp lễ trọng. Đồng thời, vận động các chức sắc, tín đồ có đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh và quy định của địa phương, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, phá vỡ âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ đoàn kết toàn dân. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo năm 2016 cho gần 750 cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở. Với nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ thường xuyên nắm tình hình sinh hoạt, hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự cũng như các hoạt động có liên quan đến tôn giáo như: việc giao thêm đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa công trình tôn giáo. Đồng thời, gặp gỡ, trao đổi, hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức, cá nhân, các tôn giáo trong sinh hoạt, hoạt động tôn giáo đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Sở cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với chính quyền cấp cơ sở hướng dẫn, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các nghi lễ tôn giáo theo đúng chương trình đăng ký, đúng pháp luật.

Cùng với các hoạt động quản lý đất đai xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý lễ hội, quản lý và bảo vệ các di tích, di vật, cổ vật, công tác bảo đảm an ninh tín ngưỡng, tôn giáo luôn được chú trọng. Trong thời gian qua, ngành Công an đã nắm tình hình sinh hoạt, hoạt động của các tôn giáo và làm tốt công tác đảm bảo an ninh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, thời gian qua, không có việc phức tạp hoặc điểm nóng về an ninh trật tự có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện Thông báo số 150- TB/TW ngày 25/12/2013 của Ban Bí thư “về xây dựng cốt cán phong trào trong tôn giáo”, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo, tạo điều kiện để các cốt cán trong tôn giáo tham gia Ban chấp hành các tổ chức thành viên của MTTQ và tham gia ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 651 cốt cán phong trào trong tôn giáo, đã có gần 140 người là ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, 31 người tham gia BCH Hội LHPN các cấp; BCH Hội Nông dân có 36 người; 30 người tham gia BCH Hội CCB...

Nhằm tiếp tục giữ ổn định sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ cốt lõi của công tác tôn giáo trong tình hình mới; tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo, quản lý đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo theo quy định của pháp luật. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục làm tốt công tác xây dựng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ cốt cán trong tôn giáo, chăm lo, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên vùng đồng bào có đạo để phát triển đảng viên mới; vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo", thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", chung sức xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn, 28/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất