Thứ Hai, 25/11/2024
Khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIV đã đưa dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về Hội vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2016. Việc ban hành những luật này là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền lập hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Nhấn mạnh đây là hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham gia Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý kiến về một số vấn đề quan trọng của hai dự án Luật trên.

Những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Ngay sau khai mạc, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Báo cáo một số vấn đề về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Dự thảo Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi...

Cho ý kiến tại Hội nghị, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đề nghị, bổ sung hành vi kích động hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại động vật một cách tàn bạo, gây phản cảm, gây dư luận xấu trong và ngoài nước. “Chúng ta thấy một thực tiễn là mấy năm vừa rồi, những lễ hội như chém lợn, đâm trâu... có những hành vi mê tín, mất vệ sinh. Thế nhưng do không có quy định trong luật nên rất khó xử lý các lễ hội như thế” – bà Trần Thị Quốc Khánh nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, bổ sung cấm hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân để động viên, lôi kéo những tín đồ tôn giáo thực hiện những vấn đề trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý

Liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ông Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. “Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả”- ông Phan Thanh Bình đánh giá.

Thảo luận về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị,  giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng nhấn mạnh, việc quản lý nên thu về một đầu mối và bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi.

Cũng bàn về vấn đề quản lý nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, phải quy định rõ vai trò quản lý nhà nước ở cấp xã, phường trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.  “Tôi đề nghị phải quy định rõ vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý tôn giáo bởi tôn giáo gắn với người dân và xã, phường là nơi xuất phát điểm những vấn đề về tư tưởng” – đại biểu nhấn mạnh.

Từ thực tế nhiều cán bộ làm công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo những lại không hiểu về tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu cũng đề nghị cần chú trọng đào tạo người quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận về công nhận tổ chức tôn giáo; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; việc tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục.../.

Nguồn: dangcongsan.vn, 8/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất